Lần đầu tiên bác sĩ Việt cắt u phổi không cần đặt máy thở

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:29, 01/03/2019

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa ứng dụng thành công 2 kỹ thuật mới trong phẫu thuật lồng ngực.

Ngày 1/3, bác sĩ Đỗ Danh Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Gây mê và hồi sức Ngoại khoa (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân N.T.H. (71 tuổi, ở Hà Nội) bị u phổi giai đoạn sớm.

Đặc biệt, ca mổ này đã sử dụng kỹ thuật gây mê không đặt ống nội khí quản (tức là không đặt thở máy trong khi phẫu thuật) và phẫu thuật nội soi lồng ngực 1 lỗ.

Ngay sau mổ 5 phút, bệnh nhân đã tỉnh táo và nói chuyện được. Những ngày tiếp theo, diễn biến của bệnh nhân rất thuận lợi và đã được xuất viện ngay từ ngày thứ 4 sau mổ. 

Lần đầu tiên bác sĩ Việt cắt u phổi không cần đặt máy thở

Theo bác sĩ Quỳnh, u phổi là bệnh có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam, trong đó có nhiều trường hợp được chẩn đoán khá sớm khi khối u còn rất nhỏ, nhờ phát triển các trang thiết bị y tế hiện đại. Phẫu thuật cắt phổi là phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh u phổi.

Theo kinh điển, cắt phổi là phẫu thuật lớn, phải gây mê sâu bằng ống nội khí quản chọn lọc khá phức tạp, sau mổ nặng nề, chi phí cao. Với những trường hợp khối u nhỏ, kỹ thuật cắt phổi không quá phức tạp với mức độ xâm lấn ít (phẫu thuật nội soi lồng ngực), thì có thể không cần đến kỹ thuật gây mê này. Phẫu thuật nội soi lồng ngực qua một lỗ mở ngực nhỏ duy nhất cũng là một kỹ thuật ít xâm lấn mới, được ứng dụng ở một số bệnh viện lớn trong thời gian gần đây.

"Ưu thế chính của kỹ thuật là giảm chi phí điều trị, giảm thời gian nằm viện, hạn chế các biến chứng do gây mê và thông khí một phổi”, bác sĩ Quỳnh cho hay.

Được biết, sau một thời gian tu nghiệp tại Đài Loan, Bệnh viện Việt Đức đã quyết định áp dụng kỹ thuật này. Đây là kỹ thuật mới lần đầu thực hiện ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ dần ứng dụng kỹ thuật mới này một cách thường qui cho nhiều nhóm phẫu thuật lồng ngực ít xâm lấn khác.

Thảo Nguyên