Chàng trai Hà Nội hiến giác mạc khi lá đơn đăng ký còn đang ở bưu điện
Sức khỏe - Ngày đăng : 22:18, 22/02/2019
Ngày 20/2, đường dây nóng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được một cuộc gọi đặc biệt. Người gọi điện là chị Lê Thị Phương. Chị Phương hỏi về lá đơn đăng ký hiến tặng mô tạng của anh họ mình là anh Hắc Ngọc Trung (SN 1990, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được gửi tới Trung tâm vào ngày 19/2 với tâm nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời.
Tuy nhiên, cán bộ của Trung tâm vẫn chưa nhận được lá đơn này. Qua cuộc gọi, chị Phương cũng cho biết, anh Trung vừa trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 198 (Hà Nội). Gia đình mong muốn được hiến tặng giác mạc của anh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã kết hợp với Ngân hàng Mắt Trung ương đến Bệnh viện 198 tiếp nhận giác mạc của anh Trung.
Các bác sĩ nhận giác mạc của bệnh nhân
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, khi nhận được thông tin này ông lập tức lên đường đến Bệnh viện 198 - nơi anh Trung trút hơi thở cuối cùng và khi đến nơi người nhà rất anh Trung rất đau buồn nhưng đồng thuận cho việc hiến giác mạc.
“Đây là người thứ 23 hiến giác mạc trong năm 2019, chúng tôi rất xúc động vì bệnh nhân còn rất trẻ mà đã có một việc làm có ích, góp phần làm cuộc sống thêm ý nghĩa khi giúp hai người sống trong bóng tối tìm được ánh sáng", ông Hoàng nói.
Theo thông tin từ gia đình, chàng trai trẻ Hắc Ngọc Trung vốn là một cán bộ của ngành ngân hàng. Anh mới được phát hiện mắc ung thư cách đây 2 tháng.
Những ngày cuối cùng của cuộc đời, anh chia sẻ mong mỏi khi phải ra đi sẽ được hiến tặng mô tạng, hiến tặng một phần cơ thể mình cho sự sống và y học, từ đó anh được cống hiến cho cuộc đời, được sống thêm một lần nữa.
Chàng trai trẻ Hắc Ngọc Trung
Sau 2 ngày nhận được điện thoại và lấy nguồn tạng hiến, đến hôm nay (22/2), Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã nhận được lá đơn xin đăng ký hiến tặng của anh Hắc Ngọc Trung gửi tới. Lá đơn của anh ghi ngày đăng ký là 18/2/2019.
Lá đơn này được chị Lê Thị Phương viết hộ cho anh. Anh Trung khi đó đã rất yếu, chỉ đủ sức để ký nét chữ ngoằn nghèo của một người đang nằm trên giường bệnh vào lá đơn ấy trước khi gửi gắm một việc tốt đẹp cuối cùng mình có thể làm cho cuộc đời.