Thủ tướng: Một số ít ngành, địa phương còn chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19

Chính trị - Ngày đăng : 20:30, 24/02/2020

Thủ tướng nêu rõ nội dung trên và nhấn mạnh, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, không được chủ quan, coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung ở các cấp, các ngành, địa phương.

Thủ tướng: Một số ít ngành, địa phương còn chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Chiều nay (24/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 báo cáo tình hình chống dịch.

Đề xuất học sinh từ bậc trung học phổ thông và sinh viên đi học trở lại

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thế giới, tính đến 12 giờ hôm nay, có 79.363 trường hợp mắc tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ (số trường hợp mắc hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97%). Tại Hàn Quốc, số trường hợp mắc tăng nhanh và hiện cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp mắc, 1 tử vong) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường họp mắc, 3 tử vong). Thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc, có sân bay quốc tế và có 14 chuyến bay thẳng đến Việt Nam; đồng thời tại hai khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang có nhiều công dân Việt Nam sinh sống (trên 50.000 người).

Tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13/2/2020. Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong. Việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách ly trường hợp bệnh sang cách ly một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch. Không ghi nhận trường hợp mắc mới tại xã Sơn Lôi kể từ ngày 13/2/2020. Đến hôm nay 30 trường hợp (công dân Việt Nam) từ Vũ Hán, Trung Quốc về cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đủ 14 ngày, 100% các trường hợp xét nghiệm âm tính, đang hoàn thiện thủ tục cho về nơi học tập, công tác và cư trú.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài.

Liên quan đến việc đi học của học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường.

Ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng lớn có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ vào các lý do,

Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 11 ngày qua không có ca nhiễm mới và 15/16 trường hợp nhiễm bệnh đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.

Thứ hai, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Ngoài ra, học sinh từ cấp II trở lên có thể không chịu sự kiểm soát và ra ngoài có thể tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.

Theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore.

Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyên bố của Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là đối với dịch vụ du lịch. Việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học. Cụ thể, đối với học sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên có thể đi học từ ngày 2/3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Như thế cũng bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học và đi du học nước ngoài.

Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay mà nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nếu để học sinh đi học trở lại, Hà Nội đã có chỉ đạo các trường, lớp phải đo thân nhiệt cho các cháu trước khi đến lớp và khi ra về. Đồng thời rửa tay, sát khuẩn trước khi đến lớp và ra về.

Bên cạnh đó, các trường lớp cũng tăng cường vệ sinh, khử khuẩn… Các trường cũng không tổ chức chào cờ đầu tuần ở sân mà tổ chức ở trong lớp; bố trí giờ giải lao giữa các lớp lệch nhau. Không bắt buộc đeo khẩu trang khi đến lớp học.

Ban hành tiếp Chỉ thị về phòng chống dịch COVID-19

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ dịch COVID-19 không chỉ là một thử thách đối với ngành y tế mà còn là phép thử rất thực chất về phương diện quyết tâm chính trị, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, các địa phương.

Toàn xã hội đã phản ứng rất trách nhiệm, nhanh chóng trước các quyết sách của Chính phủ. Chúng ta đã xử lý các bất cập rất kịp thời và quyết đoán. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng, chia sẻ khó khăn và mục tiêu cùng với chính quyền. Trong công tác chống dịch, không có tình trạng trên nóng, dưới lạnh, hành chính quan liêu.

Theo Thủ tướng, nỗ lực phòng chống dịch, thái độ và ứng xử của Việt Nam đã bước đầu được quốc tế ghi nhận. Một phần thưởng rất lớn đối với chúng ta thời gian qua chính là niềm tin của nhân dân, của quốc tế vào tinh thần Việt Nam, vào quyết tâm, hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị.

Tuy vậy, theo Thủ tướng, với trách nhiệm của mình, chúng ta cũng thấy các bất cập, tồn tại cần phải nhận diện từ thực tiễn chỉ đạo, như khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý chưa thích hợp. Vẫn còn một số ít ngành, địa phương còn chủ quan. Hành động tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó cần phải bổ sung tốt hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, khống chế dịch COVID-19 tại Việt Nam một cách căn bản, không được chủ quan, coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung ở các cấp, các ngành, địa phương.

“Chúng ta cần phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới và nhanh chóng chữa khỏi cho mọi bệnh nhân COVID-19, kể cả người nước ngoài”, Thủ tướng nói.

Cách ly là biện pháp quan trọng. Phát hiện sớm, đề phòng chủ động. Cần cách ly kịp thời mọi đối tượng từ vùng dịch đến Việt Nam đủ 14 ngày. Theo dõi y tế kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng nào. Các hoạt động đông người cần tiếp tục hạn chế để tránh lây lan. Không để lây nhiễm chéo xảy ra. Ngành y tế kịp thời điều trị tốt cho người bệnh, hạn chế tử vong.

Sau hội nghị, Thủ tướng đồng ý ban hành một Chỉ thị nữa về phòng chống dịch COVID-19.

Chúng ta kiên quyết nhưng bình tĩnh trong chống dịch, cố gắng thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch tốt, vừa triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm hoạt động bình thường, Thủ tướng nói và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành sớm ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để giữ ổn định các mặt đời sống, xã hội.

Về một số việc cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, khởi động du lịch Việt Nam an toàn, hàng không an toàn trong ngành văn hóa, du lịch. Các địa phương, hiệp hội, các ngành tiếp tục tìm thị trường mới, nhất là các nước ít bị dịch bệnh.

Các cấp, các ngành, các công ty, doanh nghiệp khắc phục sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước để lại bằng những biện pháp khác, chủ động hơn. Sẵn sàng đón bắt dòng đầu tư từ nhiều nước đến Việt Nam, một điểm đến an toàn. Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ở một số ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch như gỗ, rau củ quả, thủy sản…

Thủ tướng mong muốn người dân tự tin, tích cực phòng chống, bảo đảm hoạt động bình thường; cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng việc học sinh đi học trở lại.

“Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”, Thủ tướng nói, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, kỷ cương, sáng tạo.

Xuân Lan