Tự ý đắp lá khi xuất hiện vết sưng, bệnh nhân đái tháo đường bị lở loét nghiêm trọng
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:17, 03/02/2019
Trước đó, bệnh nhân K.V.V. (66 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, sưng tấy đỏ, nhiều vị trí hở lớn, chảy mủ do tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc.
Theo lời kể, bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường type 2 cách đây 10 năm, đang điều trị isulin hàng ngày tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Sơn Tây (Hà Nội). Trước nhập viện gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện sưng đau vùng cổ, mang tai phải, ăn uống kém, nuốt đau tức. Tuy nhiên do chủ quan, nghĩ bị lên quai bị nên người nhà bệnh nhân đã không đưa đi khám mà tự ý ở nhà dùng lá đắp vào vùng bị tổn thương đồng thời tự mua kháng sinh không rõ loại uống tại nhà.
Bệnh nhân cũng đồng thời tự mua kháng sinh không rõ loại uống tại nhà trong vòng 10 ngày nhưng không đỡ, vết thương vẫn tấy đỏ và lan dần khắp toàn ngực.
Sau khi được trích lấy mủ và dẫn lưu vùng áp xe tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tiếp tục tìm nguyên nhân và điều trị tiếp.
Bệnh nhân biến chứng đái tháo đường
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bác sĩ xác định tình trạng đường huyết của bệnh nhân tăng cao. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, tim đều, huyết áp 100/60, thở đều, bụng mềm, không chướng, không đau. Vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, phát nề đỏ, chảy mủ.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được xử trí bằng việc cắt lọc vết loét hoại tử, bơm rửa liên tục hàng ngày đồng thời kiểm soát đường huyết, kháng sinh toàn thân tích cực.
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện – Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đây là một trong những trường hợp điển hình do sự chủ quan của người bệnh. Đối với những trường hợp mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm xuất hiện vết xước ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng chân người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ mà cần phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
"Trong thời gian vừa qua, bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tự ý chữa đái tháo đường bằng các bài thuốc dân gian, sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên thị trường. Những sản phẩm này không những không cải thiện được tình trạng viêm loét mà còn dẫn đến nguy cơ dị ứng khiến vết loét lan rộng khó chữa trị, nhiều trường hợp phải cắt cụt chi, thậm chí đã có không ít ca bệnh tử vong", BS Thiện cho hay.
GS Tạ Văn Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, ngày Tết là thời điểm bệnh nhân đái tháo đường đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nhất. Để ngày Tết thực sự hữu ích, các chuyên gia khuyến cáo, người bị đái tháo đường cần kiêng bánh chưng, các bánh kẹo ngọt, mứt… có thể nhấm nháp chút ít. Trong chế độ ăn cần đảm bảo lượng glucozơ vừa đủ. Ăn các loại thực phẩm có lượng glucose thấp như miến. Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì đen, rau xanh, salad, hoa quả tươi… hạn chế nước ngọt đóng chai, bia rượu. Đặc biệt, cần cảnh giác những thứ ăn vui miệng như hạt hướng dương, hạ bí đỏ rang. Nếu ăn nhiều làm tăng tổng số calo hấp thụ khá nhiều (1 lạng hạt trên cung cấp tới 1/4 nhu cầu năng lượng cho cơ thể). Trong mâm tiệc, người bệnh đái tháo đường không nên giấu người bên cạnh về bệnh của mình để họ có thể hỗ trợ theo dõi nếu có dấu hiệu sẽ đưa đi cấp cứu ngay. Có trường hợp bệnh nhân uống rượu sau đó những người xung quanh không biết là do hạ đường huyết mà nghĩ say bình thường không đưa đi cấp cứu đến khi vào viện thì bệnh nhân đã hôn mê sâu. Những bệnh nhân đái tháo đường lỡ ăn nhiều chất bột đường có thể tiêm thêm insulin nhanh 2-6 đơn vị. Nếu không dùng thuốc tiêm thì nên vận động nhiều hơn để tiêu thụ số calo thừa đưa vào, không tự ý tăng liều thuốc uống nếu không có ý kiến của bác sĩ. Các loại thuốc uống hạ đường huyết thường khó lường trước khả năng làm giảm đường máu trong khoảng thời gian ngắn. |