Dịch Covid-19 chuyển biến khó lường, Việt Nam phải có giải pháp ứng phó mới

Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 24/02/2020

Trước diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới đã có những yếu tố mới, đó là đã xuất hiện thêm nhiều quốc gia có nhiều người mắc bệnh, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, cần phải có giải pháp ứng phó mới.

Ngày 24/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Cần có giải pháp mới cho phù hợp tình hình

Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới đã có những bước chuyển mới, do đó chúng ta phải có giải pháp ứng phó mới.

Ông Cường lý giải, trước đây khi ứng phó dịch bệnh, chúng ta căn cứ vào nơi xuất phát dịch là Vũ Hán (Trung Quốc) để triển khai các biện pháp. Thực tiễn, thời gian qua, Trung Quốc cũng đã triển khai các giải pháp quyết liệt ngăn chặn nguồn bệnh lan rộng từ Vũ Hán, qua đó các tỉnh khác của Trung Quốc về cơ bản cũng kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh đã có những chuyển biến khó lường khi xuất hiện các ca bệnh và bệnh nhân tử vong ở Hàn Quốc, Italy, Iran.

Dịch Covid-19 chuyển biến khó lường, Việt Nam phải có giải pháp ứng phó mới

GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới đã có những bước chuyển mới, do đó chúng ta phải có giải pháp ứng phó mới.

Ông Lê Quang Cường nhấn mạnh rằng: Nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng chống dịch bệnh của chúng ta là “phát hiện sớm, cách ly và khoanh vùng”. Với nguyên tắc đó, chúng ta đã triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh mạnh hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ đầu. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, kết quả phòng, chống dịch chúng ta đạt được là khả quan,…

Tuy nhiên, hiện nay diễn biến dịch bệnh đã có những yếu tố mới là đã xuất hiện thêm nhiều quốc gia có nhiều người mắc bệnh. Đơn cử tại Hàn Quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc rất nhiều. Do đó cần có giải pháp mới cho phù hợp tình hình.

Theo GS.TS Lê Quang Cường, để ngăn ngừa dịch bệnh, bên cạnh việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, sàng lọc những người thuộc diện nghi ngờ để tiến hành cách ly y tế theo quy định, thì cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở trong công tác này.

“Giờ là lúc chúng ta phải phát huy tối đa vai trò của nhân dân, tai mắt của nhân dân trong việc phát hiện những trường hợp bất thường để cách ly từ tổ dân phố, thôn bản”, ông Cường nhấn mạnh và đề nghị các cấp có thẩm quyền phải đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, địa phương trong việc rà soát, sàng lọc, phát hiện các trường hợp nghi ngờ để tổ chức cách ly y tế, khoanh vùng dập dịch theo quy định.

Kiểm soát hành vi của người dân, cộng đồng là ưu tiên hàng đầu

Chia sẻ quan điểm của GS.TS Lê Quang Cường, dẫn lời Giám đốc cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) cho rằng, chúng ta phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất để “hạn chế tối đa sự lây lan của bệnh”.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, nhận định của Tổng Giám đốc WHO cho rằng "cánh cửa chặn dịch đang hẹp lại", vì ban đầu WHO cho rằng chủ yếu dịch này có nguồn gốc từ Trung Quốc, bây giờ đã sang nhiều nước, trong đó có những nước hệ thống y tế dự phòng kém,... thậm chí có những nơi không rõ nguồn bệnh xuất phát từ đâu. Nên việc phòng chống rất khó.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đối với Hàn Quốc, ổ dịch chủ yếu xuất phát từ một cơ sở tôn giáo và một bệnh viện. Dù Hàn Quốc rất mạnh về y tế dự phòng, nhưng như truyền thông phản ánh việc quản lý hành vi ban đầu chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt dẫn đến dịch bệnh lây lan. Trong khi đó Việt Nam kiểm soát hành vi chặt chẽ ngay từ đầu (kiểm soát đường biên, cửa khẩu, khuyến cáo không tập trung nơi đông người, dừng các lễ hội,…).

Trước tình hình dịch bệnh đang lây lan mạnh ở một số nước, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đối với Việt Nam, giải pháp kiểm soát hành vi của người dân, của cộng đồng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

"Nguyên lý chống dịch nào cũng vậy thôi, vẫn phải phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng. Đương nhiên phải khoanh vùng hợp lý theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào tình hình dịch, không để chống dịch ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội", ông Trần Đắc Phu trao đổi.

Theo đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường biên giới, cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, thậm chí đến tận thôn, bản để sớm phát hiện, ngăn ngừa và tổ chức cách ly, dập dịch hiệu quả.

Đồng thời cơ quan chức năng phải thực hiện thật tốt việc giám sát, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh (cả tư nhân, công lập). Các ý kiến tại cuộc họp đặc biệt lưu ý đến việc phải giám sát những trường hợp nghi ngờ (biểu hiện sốt, ho) đến khám, điều trị tại cơ sở y tế tư nhân để không bỏ sót ca nghi nhiễm, "né" cách ly.

Các chuyên gia, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; các bộ, ngành: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải,… và thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định, trong công tác phòng chống dịch, đến lúc này chúng đã làm tốt, song không được chủ quan, lơ là mà phải luôn luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống mới. Trong đó, phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, vai trò “tai mắt” của quần chúng nhân dân… Ban Chỉ đạo giao bộ phận thường trực tiếp tục cập nhật tình hình, hoàn thiện các kịch bản, phương án để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh

Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19

Cũng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

“Về xét nghiệm, Việt Nam có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm. Độ chính xác xét nghiệm tương đương như các nước, xét nghiệm Real-time RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên) nên độ nhạy và đặc hiệu cao”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và thống nhất chuyển giao công nghệ, thống nhất phương pháp thực hiện mẫu xét nghiệm, gồm: Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại Hà Nội.

Sau đó, các đơn vị này đã tiến hành chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn cho 22 phòng xét nghiệm là những đơn bị đủ máy móc trang thiết bị và nhân lực (đạt chuẩn do WHO công nhận). Các phòng xét nghiệm đủ năng lực cho kết quả tin cậy.

Ngay cả tuyến tỉnh hiện nay như tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội hiện đã thực hiện được xét nghiệm về dịch bệnh Covid-19. Đối với các trường hợp có dấu hiệu điển hình, nghi ngờ mắc bệnh, mẫu bệnh phẩm đều được tiến hành xét nghiệm tại hai cơ sở để đối chứng và khẳng định tính chính xác.

Về trường hợp nữ sinh lớp 12 trú tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế tử vong sau khi có triệu chứng ho, sốt và khó thở kéo dài trong khoảng một tuần, Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng kỹ thuật xét nghiệm Real time RT-PCR (do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) để kiểm tra mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và cho kết quả âm tính.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực xét nghiệm. Bệnh viện đã chủ động mời các chuyên gia của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ra đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về xét nghiệm theo đúng quy chuẩn, trình tự của WHO.

Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin chính xác, Bộ Y tế đã giao Viện Paster Nha Trang tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này để đối chứng và cũng cho kết quả âm tính với Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 24/2, thế giới đã ghi nhận 78.856 trường hợp mắc Covid-19 tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc đã ghi nhận 76.936 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố. Tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc ghi nhận 1.920 trường hợp mắc gồm Nhật Bản 772 trường hợp (tàu Diamon Princess 634 trường hợp), Singapore 89 trường hợp, Thái Lan 35 trường hợp, Hàn Quốc 602 trường hợp, Hong Kong (Trung Quốc) 70 trường hợp, Đài Loan (Trung Quốc) 28 trường hợp, Malaysia 22 trường hợp, Australia 22 trường hợp, Đức 16 trường hợp, Việt Nam 16 trường hợp, Mỹ 35 trường hợp, Pháp 12 trường hợp, Ma cau (Trung Quốc) 10 trường hợp, Canada 9 trường hợp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất 13 trường hợp, Anh 9 trường hợp, Ấn Độ 3 trường hợp, Philippines 3 trường hợp, Italia 113 trường hợp, Nga 2 trường hợp, Tây Ban Nha 2 trường hợp, Campuchia 1 trường hợp, Phần Lan 1 trường hợp, Nepal 1 trường hợp, Sri Lanka 1 trường hợp, Thuỵ Điển 1 trường hợp, Bỉ 1 trường hợp, Ai Cập 1 trường hợp, Isarel 1 trường hợp, Liban 1 trường hợp.

Về số tử vong, thế giới ghi nhận 2.463 trường hợp, trong đó tại Trung Quốc đại lục 2.443 trường hợp, Hàn Quốc 5 trường hợp, Iran 5 trường hợp, Nhật Bản 3 trường hợp (trong đó tàu Diamon Princess 2 trường hợp), Philippines 1 trường hợp, Hong Kong (Trung Quốc) 2 trường hợp, Italy 2 trường hợp, Pháp 1 trường hợp, Đài Loan (Trung Quốc) 1 trường hợp.

Từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Tính đến ngày 23/2, tất cả 16 trường hợp mắc bệnh đã được điều trị khỏi. Cụ thể, 11 bệnh nhân điều trị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Thanh Hóa đã khỏi bệnh và được xuất viện.

Tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, 4 bệnh nhân đã khỏi bệnh; 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, hiện đang theo dõi thêm một số ngày đảm bảo an toàn trước khi ra viện. Hiện còn 32 trường hợp đang nghi ngờ, được theo dõi, cách ly. Tổng số mẫu xét nghiệm 1.263 ca và 6.470 trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

 

Xuân Lan