Cứu sống ngoạn mục bé trai 10 tuổi bị vi khuẩn ăn mòn van tim
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:11, 26/01/2019
Theo lời kể của gia đình, bé V. bị sốt cao liên tiếp 3 tuần. Sau đó được đưa đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng tình trạng không thuyên giảm. Khi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã trong tình trạng bị suy tim nặng.
TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, qua siêu âm, thăm khám, các bác sĩ nhận thấy van động mạch chủ của tim bệnh nhi bị tổn thương cực nặng do vi khuẩn tạo thành khối sùi đã ăn mòn hết. Bệnh nhi có hiện tượng biến chứng dọa phù phổi, có thể đột tử bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân được xác định là do bị vi khuẩn xâm nhập máu trên nền bệnh tim bẩm sinh dẫn đến vi khuẩn khu trú ở van động mạch chủ. Đặc biệt chức năng của van động mạch chủ là giúp dòng máu bơm từ tim chảy một chiều, ngăn không cho máu trào ngược về tim. Vì vậy, khi lá van này bị hỏng, máu bị trào ngược gây áp lực rất lớn lên buồng tim trái gây suy tim, cũng là nguyên nhân gây phù phổi.
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi
Theo TS Trường, đây là trường hợp mắc bệnh lý van tim phức tạp nhất từ trước đến nay. Để phẫu thuật, bác sĩ đứng trước hàng loạt thách thức như bệnh nhi còn quá nhỏ, van tim không có sẵn, phương pháp sử dụng chính màng tim tự thân để tạo lá van cũng không khả thi, trong khi chưa thể xác định chính xác các cơ quan xung quanh có bị vi khuẩn tấn công hay không.
Trước tình thế nguy cấp đó, để cứu bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm đã quyết định phẫu thuật dù cơ hội sống sót không thể nói trước. Trung tâm Tim mạch trẻ em đã liên hệ với các đơn vị cung cấp van tim thay thế để tìm loại van nhỏ nhất có thể. Rất may, sau gần 30 phút liên hệ đã tìm được loại phù hợp.
Sau 9 tiếng căng thẳng, ca phẫu thuật đã được thực hiện đã thành công. Chỉ sau 1 ngày hồi sức hậu phẫu, bệnh nhi đã hồi phục rất nhanh, rút được ống khí quản.
Hiện sau phẫu thuật hơn 3 tuần, cháu V. đã khỏe mạnh, qua kiểm tra cho thấy van được thay đã hoạt động khá tốt.
"Nếu bệnh nhân ổn định có thể duy trì lá van thay đến khi trưởng thành (khoảng 18- 19 tuổi), khi cân nặng của bệnh nhân đến khoảng trên 60kg thì sẽ phải mổ để thay lại. Tuy nhiên lúc đó bệnh nhân đã trưởng thành thì việc thay thế đơn giản hơn rất nhiều", TS Trường thông tin.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, khi thấy trẻ sốt kéo dài từ 5 ngày trở lên, nhất là với trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh cần đưa trẻ tới bệnh viện để theo dõi, phát hiện các bệnh lý gây tổn thương, nhất là nhiễm trùng máu. Đặc biệt, trong giai đoạn trẻ thay răng hay bị mọc mụn... cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con uống, cần phải có đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt, khi thấy trẻ dễ bị xuống sức khi vận động, yếu, chậm tăng cân, hay vã mồ hôi khi ngủ... cần đưa đến cơ sở y tế tầm soát, sàng lọc các bệnh lý tim bẩm sinh.