Hóc đầu kèn nhựa, bé 6 tuổi suýt mất mạng
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:36, 18/01/2019
Trước đó, bé trai L.M.H. (sinh 2012, ngụ Đồng Nai) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Định Quán (Đồng Nai) trong tình trạng tím tái, thở mệt, khi thở có tiếng kèn kêu, xác định có dị vật trong đường thở.
Ngay lập tức các bác sĩ xử lý cho tim đập lại, ép ngực nhưng không bật được dị vật ra, chỉ vài phút sau thì bé tím tái trở lại, bác sĩ phải đặt nội khí quản gấp kết hợp thở máy. Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chuyển lên khoa Tai mũi họng để soi gắp dị vật ra.
Hiện bệnh nhi đã ổn định sức khỏe
Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, việc đặt nội khí quản cũng đã giúp đẩy được dị vật qua một bên phổi. Các bác sĩ sau đó đã tiến hành nội soi gắp dị vật nằm trong khí quản cho bệnh nhi.
Hiện bé đã ổn định sức khỏe, tự thở và nói chuyện được. Có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Theo bác sĩ Phương, đây là tai nạn nguy hiểm, nếu bệnh nhi đến muộn khoảng 5 phút, bé có thể đã tử vong do ngạt và tràn khí màng phổi.
Mỗi năm khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện nội soi kiểm tra dị vật đường thở khoảng 100 ca, trong đó có hơn 50 ca là có dị vật. Đây là lần thứ 4 trong 2 năm qua khoa tiếp nhận trường hợp bị hóc kèn.
Các bác sĩ lưu ý, tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng thì đều có nguy cơ trở thành dị vật. Trong những ngày tết, nhiều gia đình thường mua các loại hạt về ăn. Đây cũng có thể trở thành dị vật. Một trong những nguyên nhân gây ngạt gần đây hay được đề cập là rau câu viên. Loại rau câu này cũng được nhiều gia đình mua. Các bậc cha mẹ cần lưu ý nên để những đồ vật, loại hạt, rau câu... ngoài tầm tay của trẻ nhỏ.