1000 ca mổ được bác sĩ trẻ thực hiện trong 17 tháng ở bệnh viện huyện

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:03, 17/01/2019

Những năm qua, tuyến y tế cơ sở ở vùng cao đã và đang được bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Họ là những bác sĩ trẻ thuộc dự án Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.

Tín hiệu tích cực

Bộ Y tế vừa phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức khai giảng khóa 15 cho 22 bác sĩ trẻ đào tạo chuyên khoa I. Các bác sĩ này đã được lựa chọn phù hợp các tiêu chuẩn đầu vào theo quy định của Bộ Y tế.

22 bác sĩ trẻ được lựa chọn trong khóa này sẽ được đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, nội, ngoại, nhi, kỹ thuật xét nghiệm y học, sản, truyền nhiễm và y học cổ truyền tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

Hoạt động này thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” của Bộ Y tế. Dự án lựa chọn các bác sĩ trẻ mới ra trường tốt nghiệp loại khá, giỏi được tuyển dụng vào các bệnh viện tuyến trung ương hoặc cho phép các bác sĩ chính quy đã được tuyển dụng tại huyện nghèo tham gia dự án được đào tạo bài bản theo khung chương trình đặc biệt, 1 thầy kèm 1 trò theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Sau khi tốt nghiệp sẽ tình nguyện về công tác tại tuyến huyện một số địa phương, ưu tiên các huyện nghèo.

1000 ca mổ được bác sĩ trẻ thực hiện trong 17 tháng ở bệnh viện huyện

Bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết (bên phải) tiến hành một ca mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà

Phát biểu tại lễ khai giảng khóa 15, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

“Triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Phó Giám đốc Dự án 585, sau khi bàn giao, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bác sỹ tại huyện nghèo. Nhìn chung, các bác sĩ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực, chuyển giao kỹ thuật; Đồng thời tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến.

“Bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết đơn vị tuyển dụng là Bệnh viện Bạch Mai, được đào tạo theo chương trình Dự án tại Đại học Y Hà Nội. Khi chúng tôi lên thống kê, bạn Quyết ra trường được 17 tháng thì bạn đã mổ và phụ mổ được gần 1000 ca mổ tại Bệnh viện huyện Bắc Hà. Đó là một kết quả vô cùng thành công. Các bác sĩ trẻ được đào tạo theo Dự án này đã có chuyên môn tốt, được lãnh đạo địa phương, người bệnh và người dân đánh giá cao”, ông Hưng cho hay.

Giải bài toán cho nhân lực y tế vùng cao

Đến thời điểm hiện tại, Dự án 585 đã tổ chức khai giảng 14 khóa bác sĩ chuyên khoa cấp I với số lượng 332 bác sĩ cho 82 huyện nghèo của 23 tỉnh thuộc 11 chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Xét nhiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Truyền nhiễm và Răng hàm mặt. Dự án đã bàn giao 28 bác sĩ cho 18 huyện nghèo thuộc 10 tỉnh và chuẩn bị bàn giao các khóa tiếp theo.

Trước khi trúng tuyển chuyên khoa cấp I, họ đã được tuyển dụng thành viên chức Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và các huyện khó khăn thuộc các tỉnh như: Lào Cai (BVĐK Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương), Cao Bằng (BVĐK Thạch An, Bảo Lạc và Bảo Lâm), Hà Giang (BVĐK Vị Xuyên),  Điện Biên (TTYT Điện Biên Đông), Lai Châu (TTYT Phong Thổ, Nậm Nhùn)...

Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/trung tâm y tế huyện nghèo.

1000 ca mổ được bác sĩ trẻ thực hiện trong 17 tháng ở bệnh viện huyện

Lãnh đạo Vụ tổ chức cán bộ, Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện chụp ảnh lưu niệm cùng 22 bác sĩ trẻ tình nguyện

Thực tế tại các huyện khó khăn, sau khi có bác sĩ trẻ về tăng cường, đều có những thay đổi nhất định về chuyên môn; nhận thức trong công tác khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh đã được nâng lên một cách rõ nét; tinh thần, thái độ, trình độ chuyên môn được nâng cao, thu hút được người dân đến khám bệnh nhiều hơn, nhất là niềm tin, sự tin tưởng của người dân khi có bác sĩ trẻ về công tác được tăng lên.

Thời gian làm việc tại vùng cao của các bác sĩ trẻ chưa nhiều, rất nhiều khó khăn còn ở phía trước, trong khi mong muốn, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao…, đòi hỏi mỗi bác sĩ trẻ cần đem hết tài năng và sức lực đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao. Ðó chắc chắn là quãng thời gian có nhiều ý nghĩa đối với những người đã chọn cho mình sự nghiệp trị bệnh, cứu người.

Tới năm 2020, Bộ Y tế sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn. Dự án đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền) trong thời gian 2 năm.

Thảo Nguyên