Lần đầu tiên nối mạch máu vi phẫu không cần kim chỉ
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:21, 04/01/2019
Trước đó, tháng 12/2018, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hồng Th. (18 tuổi, quê Thanh Hóa) bị chấn thương nghiêm trọng ở chân phải sau tai nạn giao thông. Đặc biệt, cổ chân của bệnh nhân không gấp duỗi được, nếu không điều trị kịp thời nguy cơ bệnh nhân không đi lại được là rất cao.
Trước tình trạng của bệnh nhân, TS Nguyễn Việt Nam - Chủ nhiệm Khoa chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã hội chẩn, quyết định phẫu thuật nối gân cho bệnh nhân. Tuy nhiên để phục hồi các gân vùng cổ chân của bệnh nhân, phải cần một phần mềm thật tốt mặt trước khớp cổ chân nên ê kíp phẫu thuật đã chuyển một vạt da cân (vạt da có mạch máu) ở đùi bệnh nhân xuống che phủ mặt trước cổ chân bị thương.
TS Nguyễn Việt Nam thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật
Để đảm bảo cho vạt da cân sống được trên cổ chân, các bác sĩ phải khâu nối mạch máu của vạt da với một mạch máu cẳng chân. Do kích thước của mạch máu rất nhỏ, phẫu thuật khó khăn, ê kíp quyết định sử dụng máy coupler để thực hiện với lý do thời gian nối nhanh. Đặc biệt, khi dùng dụng cụ này sẽ giảm nguy cơ xẹp miệng nối động mạch và tĩnh mạch làm tăng nguy cơ tắc mạch làm chết vạt che phủ.
“Khi sử dụng coupler, thao tác nối vi phẫu động mạch và tĩnh mạch cho bệnh nhân chỉ mất khoảng vài phút. Tổng thời gian phẫu thuật hoàn thành ca phẫu thuật cho bệnh nhân là 3 tiếng thay vì mất 8-9 tiếng như trước đây”, TS Nam cho hay.
Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, vạt che phủ sống hoàn toàn cử động tốt, đi lại được. Dự kiến, khoảng một tuần nữa bệnh nhân sẽ ra viện.
Theo TS Nam, nối mạch máu vi phẫu bằng máy được thực hiện tại bệnh viện cuối tháng 12. Đây là ca bệnh đầu tiên thực hiện kỹ thuật tạo hình vạt có sử dụng nối mạch bằng Coupler tại Việt Nam.
Bộ nối mạch máu được sản xuất và áp dụng đầu tiên tại Mỹ giúp nối các mạch máu nhỏ nhanh, an toàn và hiệu quả. Bộ dụng cụ này thường áp dụng cho bệnh nhân cần phải làm vạt vi phẫu tự do; sử dụng nối mạch máu ở vùng cẳng tay, cổ tay bị đứt rời; khi tạo hình cần chuyển vạt cần phải nối mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu.
“Từ thành công này sẽ mở ra một hướng phát triển về kỹ thuật cao trong việc điều trị phẫu thuật tạo hình và trồng nối chi thể đứt rời”, TS Nam thông tin thêm.