Quảng Ninh: Em bé thứ 100 ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:59, 17/12/2018
Em bé chào đời ngày 8/12/2018, nặng 3,2kg và khỏe mạnh. Bé là con của vợ chồng anh Bùi T. và chị Nguyễn Hoàng P. (trú tại thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh) sau 8 năm chờ đợi, mong mỏi.
Anh T. cho biết, hai vợ chồng anh cưới nhau đã lâu nhưng chưa có con do anh T. không có tinh trùng, chị P. bị giảm lưu trữ buồng trứng. Buồn bã nhưng không mất hy vọng, sau 8 năm trời chạy chữa, anh chị quyết định đặt niềm tin vào tiến bộ của y học và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Nhờ phương pháp này, chị P. mang thai và sinh ra được một bé gái kháu khỉnh, cũng là bé gái thứ 100 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Gia đình anh T. và chị H. vui mừng đón đứa con đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ bến
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá những nỗ lực của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã đưa những kỹ thuật cao về gần người dân hơn.
Đây là một thành tựu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản ở y tế tuyến cơ sở, mở ra cơ hội có con đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn trong tỉnh và khu vực với chi phí điều trị ít hơn, giúp người bệnh tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, đi lại… Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện tiếp tục nghiên cứu, học hỏi thêm các kỹ thuật mới, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh ở tuyến y tế cơ sở.
Theo BSCKII. Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại đã có 559 trẻ chào đời khoẻ mạnh tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, trong đó có 102 trẻ ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Khoa hỗ trợ sinh sản đã thực hiện khám và tư vấn cho 24.000 lượt; phẫu thuật 700 ca. Tỉ lệ có thai sau chuyển phôi đạt gần 50%, trong đó tỉ lệ có thai khi chuyển phôi ngày 5 là 81% cao tương đương các trung tâm hỗ trợ sinh sản nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, Khoa cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật cao như đánh giá động học phát triển phôi (Timelapse), trữ lạnh trứng. Sàng lọc bệnh lý di truyền.
Nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, theo BS. Hùng, thời gian tới, Khoa Hỗ trợ sinh sản sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu hơn trong chuyên ngành hỗ trợ sinh sản đó là: Micro TESE (vi phẫu tinh hoàn lấy tinh trùng); IVM (nuôi cấy trứng non, trưởng thành trứng trong ống nghiệm); Lưu trữ mô buồng trứng.
Phát triển di truyền phân tử và di truyền tế bào trong sàng lọc và chẩn đoán trước sinh. Đẩy mạnh quản trị chất lượng, quản lý rủi ro và an toàn người bệnh. Hướng tới tiêu chuẩn chất lượng về thụ tinh trong ống nghiệm trong khu vực (RTAC – bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của Australia).