K=K là 'phần thưởng' cho người nhiễm HIV điều trị ARV tốt

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:30, 29/11/2018

Không phát hiện = Không lây truyền” (hay còn gọi là K=K) là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học.

Nhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12/2018), sáng 28/11, Trường Đại Học Y Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Việt Nam) – PEPFAR Việt Nam tổ chức sự kiện “Không phát hiện = Không lây truyền”.

“Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable), là một phong trào cộng đồng toàn cầu dựa trên nghiên cứu cho thấy rằng người có HIV đang điều trị tốt, với tải lượng virus ở ngưỡng phát hiện được sẽ không thể lây truyền HIV sang bạn tình của họ.

Theo các chuyên gia, tải lượng virus không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Thông điệp này đã và đang thay đổi nhận thức của cả người có HIV và bạn tình của họ, rất nhiều người trong số họ trải qua sự sợ hãi và kỳ thị liên quan đến lây truyền HIV, và Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc lan tỏa thông điệp này.

K=K là 'phần thưởng' cho người nhiễm HIV điều trị ARV tốt

“Không phát hiện = Không lây truyền”

Theo ông Lê Minh Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Lạm dụng chất và HIV, Trường Đại học Y Hà Nội, thông điệp K=K không chỉ có ý nghĩa với những người sống chung với HIV mà còn ý nghĩa quan trọng với những người không nhiễm HIV. 

Những người không nhiễm HIV sẽ có thêm công cụ mới, phương tiện mới để phòng chống HIV, bên cạnh những biện pháp trước đây là bao cao su, thuốc dự phòng lây nhiễm. Đặc biệt, nếu những người nhiễm HIV được điều trị đầy đủ, liên tục thì khả năng lây nhiễm sang những người không nhiễm HIV gần như bằng không.

“Đối với những người không lây nhiễm HIV, việc hiểu biết về thông điệp này là công cụ tốt để có thể dự phòng. Điều quan trọng là họ cần phải động viên, khuyến khích, hợp tác với những người đang sống với HIV để họ điều trị thật tốt. Bởi những người sống chung với HIV có thể hoàn toàn sống khỏe mạnh, có đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội vì bản thân họ không phải là nguồn lây nhiễm”, ông Giang nói.

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực đánh giá chương trình và hệ thống Y tế hỗ trợ cho công tác dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV ở Việt Nam”, Trường Đại học Y Hà Nội đã hỗ trợ cho 10 tổ chức cộng đồng tại TP.HCM, Cần Thơ, Điện Biên và Hà Nội để thực hiện các sáng kiến nhằm truyền bá thông điệp K=K tới cộng đồng. 

Bằng nỗ lực của mình, các nhóm cộng đồng đã lên ý tưởng và triển khai các sáng kiến từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2018. 

Sự kiện này cũng là lần đầu tiên bộ công cụ truyền thông K=K do Tổ chức Hợp tác Vì sự tiến bộ Sức khỏe ở Việt Nam (HAIVN) ra mắt công chúng với sự hỗ trợ tài chính từ CDC-PEPFAR. Những góp ý từ cộng đồng hướng tới tối đa hóa tầm ảnh hưởng chính là yếu tố then chốt để phát triển những sản phẩm truyền thông cuối cùng gồm cả logo, hình ảnh tĩnh và khẩu hiệu: “Tôi dương tính, nhưng cô/anh ấy sẽ không bao giờ bị lây”. Bộ công cụ truyền thông sẽ được sử dụng để quảng bá thông điệp này một cách rộng rãi, trong các diễn đàn công cộng, các không gian cộng đồng, tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và cả trên mạng xã hội.

Thảo Nguyên