Nặn mụn ở ngực, người phụ nữ tá hoả phát hiện con sán ngoe nguẩy
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:56, 25/11/2018
TS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng Trung ương cho biết, khoa vừa tiếp nhận một trường hợp mắc sán lá gan lớn lạc chỗ hiếm gặp. Bệnh nhân Lò Thị H. (30 tuổi, ở Thuận Châu, Sơn La) nhập viện với triệu chứng sốt, tổn thương phần mềm vùng ngực phải.
Gần đây chị H. phát hiện một nốt đỏ trên ngực phải, kích cỡ 0,5x0,5cm, đau nhẹ kèm ngứa. Tại phòng khám tư, bác sĩ thăm khám nghi bệnh nhân bị viêm tuyến vú. Khi ra về, chị H. nhờ đồng nghiệp nặn vì nghĩ đó là mụn, nhưng họ hốt hoảng khi thấy một sinh vật khá lớn trồi lên, ngọ nguậy.
Chị H. đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng Trung ương khám lại vì nghi sinh vật kia là sán. Sau khi được làm xét nghiệm, thì bác sĩ tiếp nhận đã nhận định rằng sinh vật đó đúng là sán lá gan lớn với tên khoa học là Fasciola.
Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện
Theo TS Trần Huy Thọ, bệnh sán lá gan là bệnh ký sinh trùng phổ biến thứ hai sau giun đũa chó mèo. Sán lá gan lớn hay ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu. Sau khi sán vào cơ thể động vật sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài xuống nước và phát triển thành ấu trùng đuôi bám vào các rau thủy sinh.
“Bình thường sán lá gan trú ngụ, ký sinh tại gan. Nếu lạc chỗ, sán thường gặp ở cơ thẳng gần bụng, cơ tim, hoặc ở phổi, nhưng trường hợp này, sán lại ký sinh lạc chỗ tại cơ vú phải của bệnh nhân, đó là điều rất hiếm gặp”, TS Thọ nói.
Qua tìm hiểu được biết thêm, nữ bệnh nhân kể trên có thói quen là hay ăn lẩu, ăn các loại rau thuỷ sinh, trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ... Đó là yếu tố có nguy cơ nhiễm bệnh cao vì ấu trùng sán thường bơi trong nước sau đó tìm một cá thể để ký sinh như ốc, hoặc bám vào rau trồng thuỷ sinh.
Hiện sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân Lò Thị H. đã được xuất viện.
TS Thọ cho biết thêm, do triệu chứng nhiễm sán lá gan rất đa dạng nên dễ bị bỏ qua. Ở dạng cấp, bệnh nhân có thể sốt, đau tức gan, rối loạn tiêu hoá, dị ứng, ngứa nhưng cũng có nhiều trường hợp tiến triển âm thầm, không có triệu chứng gì ngoài việc thỉnh thoảng tức nhẹ hạ sườn phải, một số trường hợp phát hiện nhiễm sán khi đi khám sức khoẻ định kỳ.
Để phòng, chống căn bệnh này, người dân phải ăn chín, uống sôi, bỏ thói quen ăn các thức ăn sống như tiết canh, gỏi và các loại thịt tái sống, các loại rau thủy sinh như cần, ngổ,... Lựa chọn ăn thực phẩm sạch như nguồn thực phẩm phải được lấy từ các trang trại nuôi, vật nuôi sạch thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ giảm.