Con người đang ở thế yếu trong “cuộc chiến” với vi khuẩn
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:44, 13/11/2018
Việt Nam đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh khá cao
Phát biểu tại buổi lễ mít tinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, kháng thuốc kháng sinh đang trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng ở mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị.
Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh dẫn đến các bệnh nhiễm trùng điều trị khó hơn hoặc kém hiệu quả, thời gian nằm viện kéo dài hơn, chi phí y tế cao hơn và tỷ lệ tử vong gia tăng.
Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Cụ thể, theo thống kê tại châu Âu, số ngày nằm viện đã tăng khoảng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong khoảng 25.000 người/năm; tại Thái Lan số ngày nằm viện cũng tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm…
Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh
Theo Thứ trưởng Tiến, Việt Nam là 1 trong những nước đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh khá cao. Hiện nay việc lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng chưa đáp ứng được theo yêu cầu.
Ở Việt Nam có tình trạng người dân tự dùng thuốc kháng sinh theo ý mình cả về loại thuốc, liều lượng; thậm chí khi phải sử dụng kháng sinh, lẽ ra phải tiếp tục sử dụng thuốc cho hết đợt điều trị thì lại bỏ dở giữa chừng khi thấy bệnh đã thuyên giảm... Người bán thuốc cũng chưa có tinh thần trách nhiệm cao khi vẫn bán kháng sinh theo nhu cầu của người dân, chưa tự ý thức việc bán thuốc phải theo đơn của bác sĩ, chưa xác thực việc người kê kháng sinh cũng phải là bác sĩ, đủ tư cách kê thuốc kháng sinh hiệu thuốc mới được phép bán.
Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng.
“Nếu người dân không quan tâm, coi trọng việc sử dụng kháng sinh thì sẽ chịu hậu quả khôn lường và rơi vào tình trạng bệnh nặng, hiểm nguy. Nếu dùng không đúng, không cẩn thận cũng là cơ hội để vi khuẩn kháng thuốc”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cần sự vào cuộc của cộng đồng
Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện nay các lực lượng chức năng còn rất mỏng manh trong việc kiểm soát việc mua bán thuốc kháng sinh tại tất cả các hiệu thuốc, việc thỉnh thoảng kiểm tra chưa đủ sức mạnh để kiểm soát tại các nhà thuốc. Đặc biệt các hình phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe cũng là một trong các yếu tố dẫn đến sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng, mức phạt thấp được coi là vẫn chưa đủ sức răn đe. việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm, trong khi công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế dẫn đến việc mua, bán kháng sinh tùy tiện vẫn xảy ra.
Để đối mặt với tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, rất cần sự phối hợp hành động của cả cộng đồng một cách mạnh mẽ. Bộ Y tế kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và toàn thể mọi người dân cùng vào cuộc thực hiện khẩu hiệu “sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”, nhằm giảm tình trạng kháng thuốc và bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
TS Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho biết, để kiểm soát nguy cơ kháng thuốc kháng sinh, WHO đưa ra 5 khuyến cáo đối với Việt Nam: Phải làm việc với y tế cộng đồng để thay đổi hành vi sử dụng kháng sinh của mọi đối tượng trong xã hội; phải có giải pháp đa ngành nghề khi kế hoạch kháng kháng sinh kết thúc vào năm 2020; điều tra đủ mạnh để có biện pháp xây dựng chính sách phù hợp; can thiệp vào các bệnh viện, trang trại và cộng đồng; các thuốc sử dụng trên thị trường phải đảm bảo chất lượng để tránh lạm dụng…
“Ngay bây giờ và trong tương lai, WHO sẽ đồng hành với Chính phủ Việt Nam để đẩy lùi tình trạng kháng kháng sinh. Công việc này của tất cả mọi người, đặc biệt là các sinh viên y, dược – những bác sĩ, dược sĩ tương lai, hãy tham gia cùng chúng tôi để sử dụng kháng sinh một cách thận trọng”, đại diện WHO tại Việt Nam kêu gọi.