Thai nhi bị dị tật tim: Làm sao phát hiện?
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:58, 11/11/2018
Dị tật tim bẩm sinh là những dị dạng, bất thường của tim xuất hiện ngay khi trẻ mới được sinh ra. Theo thống kê mỗi năm, cả nước có khoảng 10.000-12.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh và 25% trong số này bị rất nặng cần phải mổ can thiệp ngay trong năm đầu để đảm bảo sự sống.
Theo các bác sĩ, có hai nguyên nhân điển hình gây ra bệnh tim bẩm sinh gồm: do di truyền (sai sót trong quá trình phát triển bào thai, quá trình biệt khóa của thai nhi), các yếu tố môi trường bên ngoài tác động (việc ăn uống của người mẹ, hóa chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, người mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nghiện rượu, khói thuốc lá…).
Triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh khá đa dạng. Các dị tật tim hay gặp ở trẻ như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, hẹp van động mạch phổi, không lỗ van ba lá, tứ chứng Fallot…
Để phát hiện sớm dị tật tim bẩm sinh, việc siêu âm sàng lọc, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh ngay trong giai đoạn thai kỳ đóng vai trò hết sức quan trọng. Ảnh minh họa
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở trẻ mắc tim bẩm sinh là cơ thể còi cọc, thể chất kém, chậm lớn. Trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ bị các dị tật tim bẩm sinh cao hơn. Bé sinh bình thường dễ phát hiện sớm bệnh nhờ một vài biểu hiện ban đầu. Chẳng hạn, trẻ khi bú hay khóc kèm theo biểu hiện khó thở, hoặc chỉ bú được chốc lát là rời vú mẹ, thở nhanh hổn hển, cánh mũi phập phồng nhanh mạnh, cằn nhằn, cáu gắt thì mẹ cũng cần để ý. Ngoài ra trẻ có thể bị tím môi khi bú hoặc khóc. Lớn hơn chút nữa thì bị viêm phổi hoặc chậm lớn.
Các chuyên gia cho biết, để phát hiện sớm dị tật tim bẩm sinh, việc siêu âm sàng lọc, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh ngay trong giai đoạn thai kỳ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi. Theo đó, 3 thời điểm vàng để siêu âm, lần thứ nhất khi tuổi thai từ 12 – 14 tuần (12 tuần); lần thứ hai từ 21 – 24 tuần (22 tuần) và lần thứ ba, từ 28 – 32 tuần (32 tuần).
Tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm nhưng hầu hết nếu được can thiệp sớm sẽ chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội trở lại với cuộc sống khỏe mạnh. Các chuyên gia cũng khuyên các bà mẹ trong thời gian mang thai không chỉ cần quan tâm đến chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học mà còn cần tránh và kiêng một số việc tuyệt đối không thể làm.
Trả lời trên Tiền Phong Online, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lan – Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các bệnh lý tim bẩm sinh là những bệnh lý phức tạp, siêu âm trước sinh hiện nay chỉ có thể phát hiện từ 60 -80% các bệnh lý này. Sau sinh trẻ cần được kiểm tra sức khoẻ và làm thêm các sàng lọc để tránh bỏ sót các bệnh lý tim bẩm sinh. |