15 người chết vì ngộ độc thực phẩm trong 10 tháng

Sức khỏe - Ngày đăng : 19:22, 09/11/2018

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết trong Hội nghị về Công tác đảm bảo An toàn thực phẩm, diễn ra tại TP.HCM ngày 9/11.

Theo đó, tính đến tháng 10/2018, cả nước có tổng cộng 91 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2017. Số người ngộ độc là 2.700 trường hợp (giảm 20%) và 15 nạn nhân tử vong (giảm 37% so với 24 người chết cùng kỳ năm 2017).

"Phần lớn người tử vong do ngộ độc rượu, nấm độc", ông Phong nói. 

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành xử phạt 99 cơ sở với số tiền gần 6 tỷ đồng, thu hồi hàng trăm giấy phép, tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, trong đó có 13 lô sản phẩm vi phạm về ghi nhãn, 4 lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, 9 lô sản phẩm không công bố sản phẩm theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả…

15 người chết vì ngộ độc thực phẩm trong 10 tháng

Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh Tết dương lịch và âm lịch đang đến gần, Cục trưởng An toàn thực phẩm cảnh báo người dân cần lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. 

Đặc biệt về vấn đề ngộ độc rượu trong dịp Tết, Cục khuyến cáo không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong. 

Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; tránh xa rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu bia. 

Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không ăn thử nấm, không hái nấm non chưa xòe mũ vì khó nhận dạng nấm độc. Không ăn nấm bị dập nát, ôi thiu.

Từ nay đến cuối năm, Cục An toàn thực phẩm sẽ tập trung thanh kiểm tra các sản phẩm thịt, bánh mứt kẹo, nước giải khát, rượu bia cho dịp Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.

Cục An toàn thực phẩm đã lập đường dây nóng số 043.232.1556, email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về vi phạm an toàn thực phẩm nhằm kịp thời xử lý, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

 

Chí Tâm