Cậu bé “người cóc” hồi phục kỳ diệu sau 10 ngày điều trị

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:54, 26/10/2018

Sau 10 ngày được điều trị miễn phí tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, cậu bé “người cóc” Chung Ngọc Thuyên đã lành các tổn thương, được xuất viện.

Ngày 26/10, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tổ chức buổi ra viện và trao quà cho bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi, người dân tộc Nùng, ở Cao Bằng) có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh vảy nến thể mủ toàn thân rất nặng. Bệnh viện đã miễn phí toàn bộ chi phí điều trị, suất ăn hàng ngày cho bệnh nhân và người nhà, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân khi ra viện. Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện và các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho bệnh nhân hơn 52,8 triệu đồng.

Trước đó, ngày 16/10, Bệnh viện Da liễu Trung ương mới tiếp nhận bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên nhập viện để điều trị bệnh vảy nến thể mủ.

Qua khai thác bệnh sử từ người thân, được biết cháu bé đã bị bệnh từ khi 2 tháng tuổi, có nhiều bất thường trên da, bong vảy nhiều ở da đầu, thân mình. Gia đình có cho con đi khám và điều trị ở cơ sở y tế địa phương, tuy nhiên vì không đủ kinh phí trang trải, cháu bé không được điều trị dứt điểm, sử dụng thuốc lá không rõ nguồn gốc nên toàn thân chảy mủ.

Cậu bé “người cóc” hồi phục kỳ diệu sau 10 ngày điều trị

Tình trạng của bệnh nhi trước khi được điều trị vảy nến

Do gia cảnh khó khăn, ngày 16/10, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bệnh nhi và người thân đã được đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương đã trực tiếp thăm khám cho bé.

Qua thăm khám ban đầu, PGS Doanh nhận thấy bệnh nhi có tổn thương cơ bản là các dát đỏ bong vảy trắng dày, dễ bóc ở tay chân, thân mình, tập trung chủ yếu ở bàn tay, bàn chân, cẳng chân hai bên. Mụn mủ nông, tập trung rải rác thành đám ở đầu gối, cẳng tay, bụng. Bệnh nhi hơi sốt nhẹ nhưng tỉnh táo, ngứa nhiều. Móng tay vàng và có dấu hiệu bị mủn.

ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em cho biết, trong quá trình nằm điều trị bé Thuyên được làm các xét nghiệm cơ bản, sinh thiết khẳng định chẩn đoán Vảy nến thể mủ toàn thân. Sau 10 ngày được đội ngũ y bác sĩ tận tình điều trị (thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, dưỡng ẩm), hiện tại tình trạng bệnh của bệnh nhi đã ổn định.

Tuy nhiên, BS Linh lưu ý, bệnh vảy nến là một bệnh da mạn tính, có thể tái phát nhiều đợt, chưa chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể kiểm soát tốt bệnh. Do đó, để đảm bảo tốt sức khỏe của bé sau khi ra viện, gia đình cần chú ý không nên tự ý điều trị tại nhà, nhằm hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra, cần đưa bé đi khám và theo dõi định kỳ theo hẹn của bác sĩ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, tuyệt đối không dùng các loại thuốc lá, thuốc nam, mẹo để điều trị vảy nến. Các phương dân gian không được coi là cách điều trị chính thống mà còn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Đắp các loại lá dễ làm kích ứng khiến người bị vảy nến khó chịu.


Bệnh viện đã từng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân vảy nến uống thuốc nam ngâm thuốc lá đã gặp biến chứng suy thận rất đáng tiếc.

Thảo Nguyên