Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:09, 10/10/2018

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng. Theo đó, Sở yêu cầu tất cả các trường hợp mắc tay chân miệng hoặc nghi ngờ mắc tay chân miệng phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước nhận được 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong. Số ca mắc tay chân miệng chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo chiếm 79%. Dự báo dịch tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.

Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng

Ảnh minh họa.

Trước thực trạng đó,  Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai các nội dung sau: Tổ chức tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng, cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc. Cơ sở giáo dục (đặc biệt là các trường mầm non, các nhóm trẻ gia đình) phải tuân thủ hướng dẫn phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Tổ chức hướng dẫn quy trình rửa tay cho học sinh, giáo viên, người chăm sóc trẻ; đảm bảo nơi rửa tay phải thân thiện và có đủ nước sạch, xà phòng; Chỉ đạo các cô nuôi dạy trẻ, người chăm sóc trẻ phải thực hiện rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt khi chuẩn bị cho trẻ ăn và sau khi thay quần, áo, rửa cho trẻ sau khi đi vệ sinh, không cho trẻ dùng chung khăn mặt, gối, khử trùng, khăn mặt hàng ngày.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện ăn, uống chín, không dùng chung cốc, thìa, bát, đũa khi ăn.

Thực hiện theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, cán bộ, công chức, viên chức phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh. Khuyến cáo cha mẹ học sinh khi trẻ mắc bệnh phải thông báo với nhà trường.

Đặc biệt, tất cả các trường hợp mắc chân tay miệng hoặc nghi ngờ (sốt, xuất hiện ban, nốt phỏng ở tay chân miêng…) phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị thực hiện cách ly và chăm sóc y tế theo đúng hướng dẫn (trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước).

Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học, nhà trường phải phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch theo quy định; Thực hiện các biện pháp xử lý môi trường hàng ngày như: Vệ sinh lớp học, lau sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, dụng cu học tập, nắm cửa… bằng xà phòng, chất tẩy rủa thông thường hoặc CloraminB.

 

 

Xuân Diệp