8 căn bệnh dễ “tấn công” bạn khi thời tiết giao mùa

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:58, 30/09/2018

Hiện miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện để nhiều bệnh truyền nhiễm có cơ hội bùng phát.

Miền Bắc đang bước vào những ngày thời tiết giao mùa từ nóng sang lạnh. Ngoài việc khiến cho cơ thể con người trở nên mệt mỏi thì chênh lệch nhiệt độ cùng với độ ẩm trong không khí hạ xuống thấp còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh. Đây là nguyên nhân khiến chúng ta dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, dị ứng,…

Dưới đây là 8 căn bệnh dễ mắc phải khi thời tiết giao mùa, bạn cần phải biết cách để phòng tránh:

Cảm cúm

Khác với cảm cúm, cảm lạnh thường nhẹ, không lây, không để lại di chứng. Còn cảm cúm lây lan rất nhanh, với phụ nữ mang thai nếu bị cúm trong gia đoạn đầu sẽ dễ có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi.

Triệu chứng đầu tiên của cảm cúm là sốt, ngứa – đau rát họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho, xung huyết mắt, cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, có thể sốt đến 39 độ C. Triệu chứng ho thường xuất hiện sau khi có triệu chứng ở mũi. Thông thường bệnh cảm cúm kéo dài trong khoảng 1 tuần.

Nếu có biểu hiện nặng các bạn không nên chủ quan mà hãy đến ngay các cơ sở y tế để chữa trị. Bởi cảm cúm có thể gây ra các biện chứng nghiêm nặng như viêm phổi, suy hô hấp .

Hơn hết, để phòng ngừa, hãy ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, rửa tay nhiều lần để loại trừ mầm bệnh lây lan, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus trú ngụ.

8 căn bệnh dễ “tấn công” bạn khi thời tiết giao mùa 

Viêm phổi

Khí hậu hanh khô khi chuyển thu hay lạnh giá vào mùa đông, phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Khi phổi bị viêm, các phế nang bị tổn thương khiến dưỡng khí không thể đi vào máu do đó làm cho cơ thể, đầu tiên là vùng não bị thiếu dưỡng khí. Bệnh viêm phổi vẫn có thể có những biến chứng rất nặng dẫn tới tử vong.

Triệu chứng hay gặp nhất là bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, dấu hiệu ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng… đôi khi ho ra máu. Người mắc còn có thể có hiện tượng tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh…

Khi có những dấu hiệu như trên và thấy dấu hiệu sức khỏe yếu đi, mệt mỏi… đặc biệt nặng ngực cần phải đi đến các cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh.

Viêm họng

Khi giao mùa nhất là mùa đông thì viêm họng là bệnh dễ mắc phải nhất cả ở người lớn và trẻ em.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh là đau họng khi nuốt nước bọt hay khi ăn, khàn tiếng, có những cơn ho do bị kích ứng ở đường hô hấp và có thể kèm theo cả sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh do các bác sĩ nhận định là do vi khuẩn, có nhiều trường hợp do virus gây lên.

Viêm xoang

Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Nhất là vào mùa thu, khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng…

Đau xương khớp

Đau nhức xương khớp là căn bệnh kinh niên rất khó chữa. Thời tiết giao mùa chính là lúc cơn đau xương khớp của bạn hoành hành khiến bạn nhức nhối toàn thân gây khó khăn trong cử động. Khí hậu ngày càng có nhiều chuyển biến phức tạp khiến bệnh của bạn cũng tăng lên theo cấp số nhân.

Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau, khó cử động. Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ. Cùng với các triệu chứng tại khớp là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút.

8 căn bệnh dễ “tấn công” bạn khi thời tiết giao mùa 

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa do vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi nó chưa kịp thích nghi.

Đau mắt đỏ sẽ gây cho bệnh nhân những khó chịu vùng mắt: mắt đỏ ngầu, nước mắt giàn giụa, sưng nhức mắt… Và đặc biệt, khiến người mắc không thể tự tin khi giao tiếp.

Để phòng tránh, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt. Do bệnh dễ lây nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đồng thời nên đeo kính khi ra ngoài, nhỏ mắt hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng. Nếu mắc bệnh cần nghỉ 7 - 10 ngày đẻ cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây lan sang người khác.

Dị ứng

Thời tiết hanh khô cũng là tác nhân gây ra các chứng bệnh về da như khô nẻ, da dị ứng, nổi mẩn đỏ... khắp cơ thể. Bệnh hay gặp ở những người có cơ địa dị ứng, hay bị những bệnh như hen, viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng.

Dị ứng thời tiết là một bệnh mạn tính rất khó có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể hạn chế những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe mỗi khi thời tiết thay đổi với những mẹo nhỏ như: Đeo kính và đeo khẩu trang nếu bạn đi ra ngoài, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thận trọng khi dùng mỹ phẩm, tránh dùng những thức ăn dễ gây dị ứng như thực phẩm chế biến từ hải sản, các chất được lên men.

Ngoài ra cần luôn giữ ấm cơ thể, nên tránh sử dụng áo quần may bằng những loại vải dễ gây kích ứng da như len, sợi nilong. Không nên mặc các loại quần áo quá chật nhằm tránh tình trạng cọ xát dễ gây kích thích tại chỗ. Hạn chế sinh hoạt trong môi trường có độ ẩm thấp vì dễ gâycho da bị khô, dễ bị kích thích, dễ bị tái phát những bệnh lý da dị ứng theo mùa.

Suy tim

Những người có bệnh lý về tim mạch thường bị lại vào giao mùa thu. Nguyên nhân là khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi khí hậu, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch, đặc biệt là suy tim.

Chí Tâm(TH)