Kinh hãi giun lươn bò ngoằn ngoèo dưới da người phụ nữ
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:19, 28/09/2018
Theo đó, bệnh nhân 50 tuổi, sống tại Lào có vườn hoa nên tự tay trồng, chăm cây hoa. Gần đây bệnh nhân thấy dấu hiệu mờ mắt, ngứa ngáy, trên da có những nốt sần và di chuyển ngoằn ngoèo. Ngoài ra, người phụ nữ này còn cảm thấy tức ngực, ho ra đờm và theo dõi thì thấy có sinh vật nhỏ ở trong dịch tiết đờm.
Mới đây, trong một lần về Việt Nam, bà đã đi khám ở nhiều nơi, sau khi xét nghiệm huyết thanh, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễm giun lươn. Sau đó, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám và điều trị.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc trồng hoa, thường xuyên tiếp xúc với đất có thể là nguyên nhân khiến giun lươn xâm nhập và trú ngụ trong cơ thể.
Giun lươn có thể trườn bò khắp cơ thể, gây nguy hiểm cho sức khoẻ
Thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên mắc bệnh giun lươn từng được phát hiện. Trước đó, bệnh viện cũng điều trị cho nam bệnh nhân 70 tuổi bị sốt kéo dài, nhiễm trùng huyết nhiều lần, tái phát liên tục dù đã điều trị tại nhiều bệnh viện. Cuối cùng khi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bác sĩ phải điều trị đồng thời nhiễm trùng và diệt giun lươn, tình trạng bệnh mới cải thiện.
Bác sĩ Cấp cho biết, giun lươn lưu hành khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 35 triệu ca mắc. Ở Châu Á giun lươn có khắp các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philipines, Malaysia…
Tại Việt Nam tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29.1% Tây nguyên có tỷ lệ cao nhất lên tới 42.4%. Tuy vậy hầu hết các ca nhiễm giun lươn mạn thường không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ có mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ. 75% số này có tăng bạch cầu ái toan ở các mức độ khác nhau.
Để xác định bệnh nhân có bị giun lươn hay không, bác sĩ phải soi trực tiếp, nhuộm soi bệnh phẩm đã làm phong phú, soi bệnh phẩm sau khi thu hồi ấu trùng bằng kỹ thuật phễu Baermann hoặc soi bệnh phẩm bằng kỹ thuật giấy lọc Harada-Mori, soi sau khi nuôi cấy phân trong các tấm thạch.