Hơn nửa tháng đau đầu, bé 11 tuổi bất ngờ phát hiện mắc u não

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:00, 23/09/2018

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, vừa phẫu thuật bóc tách thành công khối u não to như trái bóng tennis cho bệnh nhi 11 tuổi.

Trước đó, bé trai 11 tuổi (ngụ tại Sóc Trăng) đau đầu kéo dài, đi đứng loạng choạng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM để khám bệnh.

Theo ThS.BS Nguyễn Duy Khải - Trưởng khoa ngoại Thần kinh, sau khi khám và chụp cộng hưởng từ MRI các bác sĩ đã phát hiện u não. Do khối u to, khu trú và chèn ép vùng tiểu não trái nên các bác sĩ đã dùng hệ thống định vị thần kinh để xác định chính xác vị trí của khối u não so với vị trí của hộp sọ.

"Điều này giúp bác sĩ phẫu thuật quyết định đường rạch trên da, đường mổ xương sọ có kích thước bé nhất, gần nhất để tiếp cận với khối u. Xác định rõ ràng ranh giới của khối u với tổ chức não lành, từ đó làm hạn chế tối đa tổn thương của não, đặc biệt là các loại u có cấu trúc giống với tổ chức não lành", BS Khải giải thích.

Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống trên, các bác sĩ nhanh chóng bóc tách trọn u to như quả bóng tennis, khu trú và chèn ép vùng tiểu não trái của bệnh nhi. Sau quá trình hồi sức sau mổ, theo dõi sát, sức khỏe của bệnh nhi diễn tiến rất tốt.

Hơn nửa tháng đau đầu, bé 11 tuổi bất ngờ phát hiện mắc u não

Các bác sĩ định vị u não bằng hệ thống định vị thần kinh. Ảnh BVCC

BS Khải cho biết, u não là loại u đặc chiếm tỉ lệ cao ở trẻ em. Điều trị u não ngày nay thường áp dụng đa mô thức kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và di truyền học. Trong những trường hợp khó như khối u kích thước nhỏ, vị trí sâu, đa ổ thì vai trò của phẫu thuật trong việc sinh thiết để biết rõ bản chất u là điều rất quan trọng.

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên chú ý kỹ con cái để nhận ra những dấu hiệu của bệnh u não. Cụ thể, trẻ sẽ thường kêu đau đầu, buồn nôn, bước đi lúc nhanh lúc chậm, loạng choạng. Trẻ có thể nhìn không rõ, hình dạng vật khi nhìn bị méo mó. Tính tình trẻ trở nên trầm hoặc dữ dằn, hay cáu bẳn.

Khi mắc bệnh, trẻ sẽ trở nên chậm lớn hoặc không tăng cân nặng, chiều cao. Nếu trẻ đã đi học thì sa sút chất lượng học tập. Nhiều trẻ cũng bị biến dạng lời nói, bỗng nhiên trẻ nói ngọng, nói lắp, phát âm không như bình thường. Mặt khác trẻ cũng có biểu hiện mệt mỏi, hay ngủ gà gật...

Trường hợp nặng thường có các triệu chứng thần kinh: Đầu to, thóp phồng, giãn khớp sọ; mắt bị phù gai thị, sụp mi, giãn đồng tử, đồng tử không cân xứng, lác mắt, mất thị lực. Trẻ mất thăng bằng, mất phối hợp động tác, tăng phản xạ. Nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7, hoặc liệt nửa người, hoặc liệt hai chi dưới. Trẻ có thể bị lú lẫn, sững sờ hoặc hôn mê.

Đây là bệnh nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ, phụ huynh cần nhận biết các biểu hiện trên, đưa trẻ đến bệnh viện khám điều trị kịp thời.

Chí Tâm