Người vợ hiến nửa lá gan giúp chồng thoát "cửa tử"

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:10, 24/07/2018

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người cho sống. Đây là cơ sở y tế thứ 2 ở phía Nam (sau Bệnh viện Chợ Rẫy) thực hiện thành công kỹ thuật ghép gan ở người lớn.

TS Trần Công Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tuỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, anh Trần Văn V. (50 tuổi, quê Cái Bè, Tiền Giang) mắc nhiều bệnh lý về gan như viêm gan B, xơ gan và ung thư gan chưa di căn.

Người bệnh đã được chữa trị nhiều năm bằng phương pháp bơm hóa chất làm tắc nghẽn mạch máu nuôi khối u nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời và tình trạng xơ gan của anh ngày một nghiêm trọng.

Nếu không được thay gan mới, thời gian sống còn lại của anh V. chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Do đó, TS Long đã tư vấn cho gia đình anh thực hiện phẫu thuật ghép gan để giành lại cơ hội sống.

Tuy nhiên, việc tìm người có gan phù hợp và sẵn sàng tặng một phần cơ thể của mình cho anh V. quả không phải là điều đơn giản. May mắn thay, kết quả xét nghiệm cho thấy chị Trương Kim H. (33 tuổi), vợ anh lại là người có cùng nhóm máu cũng như tình trạng sức khỏe phù hợp để hiến gan cho anh.

Người vợ hiến nửa lá gan giúp chồng thoát

Nửa lá gan của vợ đã cứu sống người chồng

Sáng ngày 16/6, Bệnh viện Đại học Y Dược đã đón tiếp ekip gồm 11 chuyên gia ghép gan từ Bệnh viện ASAN Hàn Quốc. Các chuyên gia Hàn Quốc đã cùng các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược thực hiện ca phẫu thuật cắt gan và ghép gan cho vợ chồng anh V. – chị H.

Sau 8 giờ làm việc căng thẳng với sự tham gia của gần 50 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế, ca phẫu thuật đã kết thúc. Một phần lá gan của chị H. được cắt ra, tạo hình và ghép thành công vào cơ thể anh V.

Theo TS Long, hiện tình trạng người bệnh đã ổn định, chị H. đã có thể tự chăm sóc cho chồng. 1 tháng sau ca phẫu thuật, anh V. đã có thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài và trở lại sinh hoạt bình thường.

“Vì gan có khả năng tái sinh bù trừ nên phần gan còn lại trong cơ thể người vợ sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể và đảm bảo sức khỏe chị H., không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan. Về phía anh V., phần gan ghép với cơ thể người bệnh dung nạp tốt. Sự thành công của ca phẫu thuật ghép gan giúp người bệnh khỏi hẳn xơ gan, ung thư gan và có khả năng khỏi hẳn viêm gan B. Quan trọng hơn cả, ca phẫu thuật đã giúp anh V. tiếp tục sống lâu dài cùng gia đình và chất lượng cuộc sống được cải thiện vượt bậc. Hiện tại sức khỏe anh V. đã ổn định và xuất viện. Anh V. sẽ tái khám thường xuyên trong một năm đầu sau ghép”, TS Long nói.

Mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp ung thư gan đang theo dõi điều trị mỗi năm tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ca ghép tại bệnh viện này ước tính chỉ bằng 1/5 chi phí (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/ca, tùy theo mức độ) người bệnh và gia đình phải trả khi ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật.

Theo kế hoạch, ngày 29/7 tới, bệnh viện sẽ tiến hành ca ghép gan thứ 2 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép gan từ Bệnh viện ASAN Hàn Quốc.

Chí Tâm