3 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ở BV Chợ Rẫy phải thở máy

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:06, 26/06/2018

Đây là những bệnh nhân trong số 12 ca dương tính với cúm A/H1N1 vừa qua tại bệnh viện này.

Ngày 26/6, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện vẫn đang điều trị 7 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong tổng số 12 trường hợp dương tính với loại cúm này được phát hiện đầu tiên vào ngày 11/6.

Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử xác định 12 người dương tính với virus, trong đó 8 bệnh nhân ở khoa Nội thận, 4 bệnh nhân từ phòng khám và Khoa Cấp cứu.

Hiện có 3 bệnh nhân nặng đang phải thở máy, 1 bệnh nhân mới cai được máy thở. Cả 3 bệnh nhân đang thở máy này đều mắc các bệnh mãn tính như suy thận mãn, lupus... Theo các bác sĩ, những bệnh nhân đã có bệnh mãn tính, mắc thêm cúm A/H1N1 thì có nguy cơ tử vong cao hơn bình thường, tiên lượng cho 3 bệnh nhân này rất dè dặt.

3 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ở BV Chợ Rẫy phải thở máy

Phòng cách ly bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại BV Chợ Rẫy

Theo bác sĩ Hùng, đây là chùm ca bệnh H1N1 đầu tiên xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, xảy ra trong thời gian ngắn. 5 tháng đầu năm bệnh viện ghi nhận rải rác khoảng 10 ca. 

Trong khi đó, thời điểm này bắt đầu mùa mưa, là đỉnh điểm của dịch cúm, xuất hiện chùm ca bệnh là dễ hiểu. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 20.000 người bao gồm bệnh nhân nội - ngoại trú, nhân viên y tế và thân nhân đi lại, việc lây lan rất dễ dàng.

Từ khi phát hiện những bệnh nhân đầu tiên, bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo chống cúm, thực hiện cách ly người bệnh, khoanh vùng quản lý, tập huấn cho tất cả nhân viên y tế về vấn đề phát hiện sớm ở các khoa lâm sàng, thông tin cho thân nhân, bệnh nhân phòng tránh dịch cúm lây lan. Bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc men, vật dụng để phòng khi dịch cúm lớn xảy ra, đồng thời phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM để đưa ra giải pháp cụ thể nhất.

Cúm A/H1N1 hiện được xem là cúm mùa thông thường. Đối với người khỏe mạnh, độc lực của virus H1N1 không cao. Với bệnh nhân mạn tính, người suy giảm miễn dịch nhiễm virus sẽ làm thúc đẩy bệnh nền, gây tổn thương phổi, tổn thương đa tạng, khả năng biến chứng nặng nề.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... nên được tiêm phòng cúm định kỳ hàng năm. Để phòng cúm, nên hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt là những người mắc cúm, nghi ngờ cúm phải giữa khoảng cách an toàn khoảng 1,3m.

Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phải đeo khẩu trang. Rửa tay thường xuyên với xà phòng, thuốc sát khuẩn nhanh. Nên súc họng, vệ sinh hầu họng thường xuyên. 

Chí Tâm