1 người tử vong, 2 người nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:18, 01/06/2018
Theo đó, bệnh nhân là ông La Văn H. (49 tuổi, trú tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Bệnh nhân này nhập viện vào khoảng 22h ngày 30/5 trong tình trạng đau bụng cấp, buồn nôn. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn.
Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tại Bệnh viện huyện Đồng Hỷ. Người nhà bệnh nhân cũng không biết rõ trước khi mắc bệnh, người bệnh đã ăn gì và có tiếp xúc với động vật hay không.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn do ăn thịt dê đã chết
Được biết, trong hai ngày 27 và 28/5, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh Ma Đình D. (34 tuổi) và Ma Doãn V. (49 tuổi) đều trú ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên với biểu hiện nôn ói, đau bụng, khó thở.
Theo lời người nhà kể lại, chiều ngày 25/5, một con dê của gia đình bị chết nên đã làm thịt rồi cất vào tủ. Tối hôm sau, gia đình làm cơm mời người thân đến ăn. Sau khi ăn thịt dê 1-2 ngày thì anh D. và anh V. bị sốt, buồn nôn, đi ngoài, khó thở, tụt huyết áp nên người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa điều trị và sau đó chuyển lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Bác sĩ Lê Hùng Vương - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, kết quả xét nghiệm của 2 bệnh nhân đều dương tính với khuẩn liên cầu lợn.
"Hàng năm, Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện đều tiếp nhận những ca cấp cứu nguy kịch do ngộ độc thực phẩm, trong đó có ngộ độc thực phẩm tự nhiên, ngộ độc rượu, song nhiễm khuẩn liên cầu lợn vẫn được xem là yếu tố hàng đầu gây nên tử vong và biến chứng nặng nề", bác sĩ Vương cho hay.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên giết mổ động vật ốm chết, không xử lý thịt động vật sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt. Không ăn thịt động vật sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt động vật ốm, chết.