"Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng"

Chính trị - Ngày đăng : 13:59, 04/02/2020

Trong mọi giai đoạn cách mạng, tự phê bình và phê bình là việc làm không thể thiếu trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng, giúp cán bộ, đảng viên thấy được những hạn chế để khắc phục; qua đó, góp phần củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng

Tự phê bình và phê bình để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng

Sinh thời, trong quá trình xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Bởi “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng” (1).

Người khẳng định “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích của tự phê bình và phê bình “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” (3); mục đích của tự phê bình và phê bình còn nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết của Đảng: "Muốn đoàn kết chặt chẽ phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến đoàn kết" (4).

Để đạt được mục đích đó cần phải cần phải nắm vững phương pháp và nghệ thuật phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét” (5). Phương pháp và nghệ thuật ở đây còn thể hiện trong việc tác động vào ý thức tự giác của con người để bản thân họ tự nhận thấy khuyết điểm mà tự giác sửa chữa như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa” (6).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong mọi giai đoạn cách mạng, tự phê bình và phê bình là việc làm không thể thiếu trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng ta, góp phần làm cho cán bộ, đảng viên thấy được những ưu, khuyết điểm của mình, tìm ra các phương pháp, cách thức để khắc phục. Nội dung tự phê bình và phê bình trong Đảng bao gồm toàn bộ các mặt hoạt động của Đảng và của mọi cán bộ, đảng viên. Phương pháp tự phê bình và phê bình cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành.

Trong quá trình cách mạng, không phải Đảng không mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, Đảng đã luôn nhận ra và dũng cảm đối mặt với những sai lầm ấy. Trong quá trình đổi mới đất nước, Đại hội VI của Đảng mở đầu cho một thời kỳ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế-xã hội và những khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Trong hoạt động của các tổ chức Đảng, tự phê bình và phê bình đã được coi trọng, duy trì đều đặn, thực hiện nghiêm túc.

Đặc biệt, tự phê bình và phê bình đã được quy định là một trong những nội dung chính của sinh hoạt Đảng. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (tháng 10-2012), các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước hết là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã cam kết với Ban Chấp hành Trung ương: "Luôn thực sự gương mẫu, thực sự đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân… Thực hành tự phê bình, phê bình thẳng thắn, thương yêu đồng chí, khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh. Gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (7).

Các đồng chí lãnh đạo phải là tấm gương trong thực hiện tự phê bình và phê bình

Hiện nay, công tác tự phê bình và phê bình ở mỗi Đảng viên luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm. Nhiều tổ chức Đảng thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt để các đảng viên thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình. Qua công tác tự phê bình và phê bình, các đảng viên đã thấy được những điểm mạnh để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa khắc phục. Từng cá nhân đảng viên qua công tác phê bình còn có thể khắc phục khuyết điểm trên từng công việc và lĩnh vực được giao.

Tuy nhiên, công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng vẫn tồn tại hạn chế. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế của công tác này, đó là: “Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn là khâu yếu trong sinh hoạt Đảng; chưa trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số nơi bị buông lỏng trong thực hiện, chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Ở nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, tự phê bình và phê bình chủ yếu được thực hiện vào dịp kiểm điểm cuối năm, chưa trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày. Nhiều đảng viên, nhất là các đảng viên trẻ, đảng viên mới kết nạp ít thể hiện quan điểm, chính kiến. Nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình nhiều khi chưa đúng thực chất, thường vòng vo, né tránh, thậm chí ở một số nơi còn có sự nể nang, hoặc “dĩ hoà vi quý”, làm cho uy tín, sức chiến đấu của tổ chức Đảng bị giảm sút, vừa làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân, vừa làm sai lệch trong nhận xét, đánh giá cán bộ, dẫn đến những hệ lụy, sai phạm khác trong công tác cán bộ và trong xây dựng tổ chức Đảng. Cũng từ những hạn chế đó, một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa chủ động phát hiện, phòng ngừa và hạn chế các vụ việc tiêu cực, sai phạm của đảng viên” (8).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 về một số vấn đề cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó tự phê bình và phê bình là nhóm nội dung quan trọng được đưa vào quy định. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo phải là tấm gương trong thực hiện tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, chân thành, khách quan; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.

Để thực sự nêu gương tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi tổ chức cũng như mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cấp cao, chủ chốt đứng đầu cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật nghiêm túc, khách quan có lý có tình, mang tính xây dựng. Tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của đơn vị; về phẩm chất cá nhân của mình trên tất cả các mặt từ nhận thức, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng...

Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau; phải thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; khi có bệnh thì phải kiên quyết “trị bệnh cứu người”, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội.

Cùng với đó, cần xử lý nghiêm minh những biểu hiện thành kiến, trù dập người dám phê bình và có những hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người lợi dụng phê bình để đạt mục đích tự tư tự lợi, để gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, để phá hoại Đảng.

 

(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611
(2): Sđd, t.5, tr.301
(3), (5): Sđd, t. 5, tr. 272
(4): Sđd, t. 10, tr 584
(6): Sđd, t.5, tr.284
(7):Thông báo Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
(8): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ XII, tr.336, 337

Minh Duyên(TH)