Tự ý chữa đau chân, người phụ nữ 20 năm phải "chung sống" với thuốc giảm đau
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:56, 26/04/2018
Ngày 26/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân Bạch Thị K.D. (55 tuổi, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) vào điều trị trong tình trạng có những cơn đau âm ỉ kéo dài suốt hơn 20 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống.
Được biết, sau một lần ngã trẹo cổ chân, do chủ quan bệnh nhân tự điều trị ở nhà mà không thấy đỡ, đi lại khó khăn, bệnh nhân không thể giẫm được cả bàn chân xuống đất vì đau, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu. Bệnh nhân D. đã đi khám tại nhiều nơi và được chụp X quang khớp cổ chân nhưng nhìn trên hình ảnh phim chụp cũng không phát hiện được nguyên nhân.
Do vậy, suốt hơn 20 năm qua bà D. "sống chung" cùng thuốc giảm đau, thuốc corticoid với số lượng ước tính vài chục kg. Việc sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài đã làm mặt bệnh nhân bị tích nước, tình trạng loãng xương xuất hiện, lưng và hai khớp gối bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng theo.
Bệnh nhân đã có thể đi lại như bình thường sau ca mổ
Hai tháng trước, bệnh nhân đến Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám vì quá mệt mỏi đau đớn. Kết quả chụp X-quang phát hiện bệnh nhân bị trật khớp tụ cốt và xương bàn 5 chân trái. Đây là nguyên nhân gây đau cho bệnh nhân mỗi khi bước chân đi suốt hai thập kỷ qua.
“Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy bỏ phần sụn khớp đã hỏng do bán trật lâu năm và hàn khớp tụ cốt bàn 5 chân trái”, bác sĩ Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân D nói.
Một tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân D. đã tự đi bộ được rất xa, bắt đầu tập đi nhanh và leo cầu thang, hiện tại đã vận động đi lại bình thường.
Theo bác sĩ Kiên, những trường hợp như bệnh nhân D. nếu đến bệnh viện sớm, việc điều trị rất đơn giản, có thể khỏi hoàn toàn và không cần phải phụ thuộc vào thuốc giảm đau và không cần phẫu thuật. Nếu đến muộn, các dấu hiệu của chấn thương sai khớp đã ổn định rất khó chẩn đoán và dễ bỏ sót tổn thương.