Già hóa dân số và thách thức trong chăm sóc người cao tuổi
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:48, 13/04/2018
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11%; riêng số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người.
Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam chỉ mất khoảng 20 - 22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.
Sự chuyển đổi nhân khẩu lớn lao này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương, tới mọi cộng đồng và mỗi gia đình, đòi hỏi hệ thống chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi phù hợp.
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh: TTXVN
Ông Lê Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện nay có 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, làm nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là mỗi người cao tuổi có khoảng 10 năm sống không khỏe.
Thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, về gánh nặng bệnh tật kép, có khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Tính trung bình, mỗi người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Qua các nghiên cứu thực tế cũng như phong tục, tập quán của người Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần dựa vào cộng đồng.
Để làm được điều đó cần phát triển mô hình y học gia đình; củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam cũng cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà còn giúp chăm sóc người cao tuổi tập trung vào các bệnh mãn tính; cần có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất...
Phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng là một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng và chủ yếu trong bối cảnh già hóa dân số đang tăng nhanh.