Đột phá trong công nghệ hướng đích điều trị bệnh dạ dày

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:38, 05/04/2018

Ngày 5/4, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Đột phá công nghệ hướng đích trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược”.

Đây là kết quả mô hình liên kết "Viện - Trường - Doanh nghiệp” do Đại học Quốc Gia Hà Nội phối hợp Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

TS Lê Thị Thu Hường - Khoa Y Dược, Trưởng nhóm nghiên cứu thiết kết và phát triển thuốc mới VSL (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sau một thời gian dài phối hợp, triển khai, các nhà khoa học đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hướng đích vào hoạt chất curcumin, chiết xuất từ củ nghệ vàng.

Bên cạnh công nghệ hướng đích, việc lựa chọn dạng bào chế phù hợp để đem lại hiệu quả nhanh và tốt nhất, an toàn và phù hợp nhất với đa số người sử dụng cũng rất quan trọng. Dạng bào chế đạt được các tiêu chí này là viên nén dạng sủi.

Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai sau Mỹ, sản xuất thành công viên sủi curcumin.

Đột phá trong công nghệ hướng đích điều trị bệnh dạ dày

Việt Nam trở thành nước thứ 2 sản xuất thành công viên sủi, sau Mỹ

Theo PGS.TS Bùi Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý (Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội), sản phẩm được bào chế dưới dạng viên sủi có rất nhiều ưu điểm. Dạng sủi giúp hoạt chất thẩm thấu vào máu nhanh chóng, gần như được hấp thu ngay do người dùng hòa tan viên sủi trong nước trước khi dùng, không phải trải qua các quá trình “rã-tan” trong cơ thể bệnh nhân như viên nén.

Hơn nữa, ở dạng bào chế sủi, các hạt curcumin hướng đích sẽ được phân tán đều trong dung dịch và đến được các vị trí khó trên đường tiêu hóa như hang vị, bờ cong… để phát huy tác dụng. Dạng bào chế sủi cũng là giúp phát huy được ngay các tác dụng trên bệnh lý trào ngược, vì dung dịch curcumin hướng đích sẽ tráng qua thực quản nơi diễn ra hiện tượng trào ngược trước khi xuống các vị trí khác trong dạ dày.

Theo các chuyên gia, viêm loét dạ dày là một trong những bệnh đầu tiên con người mắc phải, từ khoảng 3.000 năm trước công nguyên. Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, khoảng 70% dân số có nguy cơ bị đau dạ dày; 20% dân số Việt Nam mắc bệnh đau dạ dày và con số này đang không ngừng tăng, ước tính mỗi năm tăng khoảng 0,2%.

Viêm loét dạ dày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, trong có ung thư dạ dày.

Thảo Nguyên