Cảnh báo nguy cơ xơ gan, thủng dạ dày dịp Tết

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:15, 06/02/2018

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc cho biết, càng gần Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu càng tăng.

"Rước bệnh" vì chén rượu

Đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi,... đặc biệt là khi Tết đến, xuân về. Trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.

Sau nhiều lần ăn nhậu, anh P.,46 tuổi (ở TP Vinh, Nghệ An) phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã bị hỏng một phần tụy, viêm gan, gan hơi to. Năm 2010, sau một tuần liên tục uống nhiều loại rượu, anh P. bị thủng tâm vị dạ dày, phải điều trị dài ngày. Người đàn ông cho biết đã uống rượu 20 năm nay, gần như tuần nào cũng có cuộc nhậu, chỉ ba người cũng uống hết hai lít rượu.

Cũng uống quá nhiều rượu, anh Trần Văn Lập, 47 tuổi (ở Mê Linh, Hà Nội) đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai xác định bệnh nhân Lập bị ngộ độc rượu ethanol, dẫn đến suy thận cấp và viêm gan trên nền bệnh đái tháo đường.

Chị Lê Thị Hồng - vợ của anh Lập cho biết: “Mỗi ngày chồng tôi uống khoảng nửa lít rượu, uống vào trưa và tối, nghiện từ hơn 10 năm nay. Tôi cũng can ngăn nhưng chồng không nghe, mỗi lần can ngăn là cãi nhau”.

Cảnh báo nguy cơ xơ gan, thủng dạ dày dịp Tết

Chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Trường hợp khác, một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang, nhập viện cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh do huyết áp tụt. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Qua một ngày điều trị nhưng ý thức của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.

Còn tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Hoàng Nam cho biết số bệnh nhân nhập viện rất cao được chuyển đến từ khoa Cấp cứu. Các bệnh nhân chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan, viêm tụy, xơ gan… do rượu. “Có bệnh nhân vào viện đến lần thứ 13 do xuất huyết tiêu hóa mà vẫn liều lĩnh đam mê uống rượu”, bác sĩ Nam cho hay.

Nỗi trăn trở dịp Tết

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, càng đến thời điểm gần Tết Nguyên đán, ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp methanol, thậm chí là lạm dụng rượu, bia đạt chuẩn cũng gây ngộ độc hoặc tổn thương gan.

Bác sĩ Nguyên cho rằng: “Không có loại rượu nào được xem là an toàn với người uống. Trước và sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện năm nào cũng đông. Mùa rét, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao hơn hẳn, phần lớn là do uống rượu nhiều gây ra chảy máu, xơ gan. Rượu làm giảm số lượng bạch cầu, giảm sức đề kháng của cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng càng nặng”.

Tính riêng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia và dự báo số ca nhập viện có xu hướng tăng đột biến trong dịp gần Tết Nguyên đán. Trước đây chủ yếu là bệnh nhân nam tuổi từ 40-50, nhưng gần đây rất nhiều bệnh nhân trên dưới 30 tuổi.

Trước đó, tại một hội thảo về ngộ độc rượu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự đau lòng khi cứ vào dịp Tết lại xảy ra những vụ ngộ độc rượu, nhiều người tử vong.

“Nhiều gia đình có người tử vong vì rượu do kém hiểu biết, do đạo đức của người sản xuất. Vì quyền lợi mà họ bất chấp tính mạng của người dân, bán rượu có lượng cồn methanol lớn, hàng giả, hàng kém chất lượng”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Ngoài nguy cơ tử vong do ngộ độc rượu cấp, Bộ trưởng Y tế cũng kể ra một loạt các bệnh mãn tính, ung thư do rượu gây ra như: Ung thư thực quản, dạ dày, ung thư đường tiêu hóa đều liên quan đến rượu. Chưa kể các bệnh về huyết áp, đột quỵ, tâm thần… đều có nguyên nhân từ rượu. Theo thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm 5 – 6% bệnh nhân tâm thần và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Thảo Nguyên