Chưa phát hiện chủng virus cúm mới lưu hành ở Việt Nam
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:59, 02/02/2018
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.
Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.
Do bệnh cúm rất dễ lây truyền, đặc biệt biệt là virus cúm A(H7N9) có thể gây tử vong cao nên nhiều người hết sức lo lắng. Trên mạng xã hội, một số người tung tin virus cúm ở Việt Nam đã biến đổi và tăng độc lực, thậm chí kháng tất cả các loại thuốc điều trị, gây hoang mang cho mọi người. Nhiều người nhao đi tìm mua thuốc để phòng bệnh.
Việt Nam chưa phát hiện sự đột biến của các chủng virus cúm mới
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới, lạ nào. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, giao thông, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ bị lây lan các chủng virus cúm từ các nơi khác trên thế giới.
Theo ông Phu, virus cúm có 3 typ là A, B, C, trong đó cúm typ A là typ thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Trên thế giới, một số phân typ cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1…
Vài năm trở lại đây, thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8.
Trước những nguy cơ trên, để chủ động giám sát các chủng virus cúm A(H7N9), ngoài việc triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm.
Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người trong dịp Tết, lễ hội và mùa xuân, người dân cần thực hiện tốt các nội dung sau: Vệ sinh mũi, họng hằng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm; Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc.
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín. Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.