Gần 3 thập kỷ, người Việt chỉ tăng 3cm

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:02, 01/02/2018

Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ, còn cách rất xa so với mục tiêu đã đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua và hiện nay đang thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á.

Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ, còn cách rất xa so với mục tiêu đã đặt ra. Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của người Việt xếp vào nhóm thấp, chỉ nhỉnh hơn Indonesia, còn nam giới thấp hơn Campuchia 0,4cm, nữ giới thấp hơn 0,2cm.

Trong nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt Nam còn hạn chế có hơn 50% là vai trò của bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, để cải thiện chiều cao của người Việt Nam cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ.

Gần 3 thập kỷ, người Việt chỉ tăng 3cm

Để cải thiện chiều cao, cần phải can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt về dinh dưỡng trong những năm đầu đời

Theo Bộ trưởng Tiến, trong những năm qua, tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 31,9% năm 2001 xuống còn 13,8% vào năm 2016.

Tuy nhiên, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao (24,3%); tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi; 80,3% phụ nữ có thai thiếu kẽm; tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa… gia tăng nhanh; thể lực, tầm vóc của người Việt còn hạn chế so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh, để cải thiện chiều cao của người Việt Nam thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

Bộ Y tế sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực. Bên cạnh đó sẽ xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, dinh dưỡng dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng; ưu tiên việc chăm sóc sinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi.

Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với ngành trong triển khai thực hiện phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu và Chỉ thị số 46 của Thủ tướng Chính phủ.

Thảo Nguyên