Gần 4.000 người ngộ độc thực phẩm trong năm 2017
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:28, 19/01/2018
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 3.705 người đi viện, 24 trường hợp tử vong; giảm cả số vụ (16,3%), số người mắc (10,2%), số người đi viện (0,7%).
Tuy nhiên số người tử vong tăng 12 người so với năm 2016 (nguyên nhân tử vong chủ yếu do ngộ độc rượu, còn lại do độc tố tự nhiên).
Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn kiểm tra đi kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất thực phẩm tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Đánh giá về tình hình an toàn thực phẩm trong năm vừa qua, Bộ trưởng Tiến nhận định, tuy số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2016 nhưng tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn, bếp ăn trường học, ngộ độc thực phẩm ở đám cưới, do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô, độc tố cây rừng…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu.
Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát. Các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến; ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cả phía người dân cũng như doanh nghiệp vì lợi nhuận trong khi mức chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Qua thực tế kiểm tra cũng cho thấy, một số địa phương đã làm được bước đầu về ô nhiễm môi trường, nhưng an toàn thực phẩm thì chưa. Vấn đề an toàn thực phẩm ngoài bản thân trách nhiệm người sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc, nếu không có địa phương vào cuộc thì không thể giám sát được.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ mở rộng triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ra một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm từ Trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả...
Tăng cường giám sát chủ động, cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ; kiểm soát phòng chống ngộ độc thực phẩm. Kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong thanh tra, hậu kiểm; tăng 10% số phòng thử nghiệm cấp tỉnh, thành phố đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005 so với năm 2017.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm. Duy trì Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. 76% người sản xuất, chế biến, 76% người kinh doanh thực phẩm, 76% người tiêu dùng và 83% người quản lý, lãnh đạo có kiến thức đúng và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.
Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm. Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công mức độ 4. Thực hiện dự án cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia.