Mừng Đảng 90 Xuân, mừng đất nước 35 năm đổi mới

Chính trị - Ngày đăng : 06:16, 25/01/2020

Xuân Canh Tý 2020 tròn 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta được tiến hành toàn diện, đồng bộ và đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Những thành tựu sau 35 năm công cuộc đổi mới đất nước

Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, mặc dù trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, nhưng diện mạo và bức tranh toàn cảnh của đất nước ta đã có những thay đổi đáng kể. Khi bước vào đổi mới, đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, chúng ta bị bao vây cấm vận, không còn sự viện trợ vô tư, to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em nữa. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhận xét: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế và uy tín trên trường quốc tế như ngày nay”.

Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng và các ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc trong năm 2020, chúng ta vui mừng nhận thấy rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta được tiến hành toàn diện, đồng bộ và đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Mừng Đảng 90 Xuân, mừng đất nước 35 năm đổi mới

 Một Việt Nam năng động đang trên đường đổi mới      

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển năng động, với tốc độ tăng trưởng khá cao, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể, rõ rệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên và có sự thay đổi về chất so với thời kỳ trước đổi mới; mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa Đảng với nhân dân và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.

Như vậy, có thể nói, sau 35 năm đổi mới, diện mạo và bức tranh toàn cảnh của đất nước ta đã có những thay đổi đáng kể, nếu không muốn nói là sự thay đổi “một trời, một vực”.

Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng thông qua (năm 1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Có thể nói, đây là quan điểm cơ bản và rất quan trọng của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Từ quan điểm cơ bản của Đảng nêu trên, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đều phải hướng vào mục tiêu trung tâm, xuyên suốt là thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước; bởi nếu không phát triển kinh tế thì chúng ta không có tiềm lực, không có sức mạnh để bảo vệ thành quả của cách mạng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh thế giới ngày nay. Mặt khác, cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng phải thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên; bởi xây dựng Đảng thực chất là xây dựng các tổ chức của hệ thống chính trong sạch, vững mạnh và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong mỗi thời kỳ của cách mạng.

Vì vậy, nếu chủ quan, mất cảnh giác, không quan tâm chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì kinh tế cũng không thể phát triển được. Sự tan rã của Liên Xô và ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là bài học kinh nghiệm đắt giá đối với Đảng ta. Vì vậy, trong những năm gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng đã đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Do đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Cán bộ là nhân tố quyết định

Thực tế cho thấy, trên thế giới hiện nay, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có đảng hoặc một tổ chức chính trị tương tự như đảng lãnh đạo. Thực tiễn của cách mạng thế giới cũng chỉ ra rằng, Đảng Cộng sản cầm quyền nào muốn tồn tại và phát triển thì đều phải đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước; phải xây dựng được tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khoa học, tinh gọn, phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phải xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng đề ra.

Trong ba vấn đề quan trọng nêu trên suy cho cùng, xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong mỗi thời kỳ lịch sử là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất. Bởi vì, cán bộ vừa là người hoạch định ra đường lối, chiến lược; là người thiết lập nên tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và cơ chế vận hành của hệ thống ấy; đồng thời, cũng là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối mà Đảng đề ra, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Chính vì lẽ đó, từ thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết “Cán bộ là gốc của công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người còn nói: “Bất kỳ chính sách công tác nào, nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi; nếu không có cán bộ tốt thì thất bại, tức là lỗ vốn”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt”.

Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: Sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ cán bộ các cấp là nhân tố quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua.

PV