Bác sĩ gặp trẻ rối loạn phát triển một lần chưa chắc chuẩn đoán đúng
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:47, 31/10/2017
Bố mẹ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của con
Theo nhiều chuyên gia, vai trò của bố mẹ quyết định rất lớn đến quá trình phát triển tâm lý, tính cách của con cái. Hiện nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, vòng xay của kinh tế đang chiếm rất nhiều thời gian của nhiều ông bố bà mẹ, dẫn đến họ giao con cho những người giúp việc, người nhà của mình. Họ quên rằng, cha mẹ vẫn là yếu tố quyết định rất lớn về sự phát triển của con trẻ.
Bố mẹ hãy dành thời gian bên con, cùng con vượt qua các giai đoạn phát triển. Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Thanh tâm chia sẻ: “Trong thời kỳ mang thai, quan hệ mẹ con giai đoạn này rất quan trọng, nó quyết định rất nhiều về tâm lý, tính cách của con. Nếu giai đoạn mang thai này người mẹ lo lắng, căng thẳng thì đứa trẻ cũng lo lắng, căng thẳng theo. Tâm lý của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con”.
Bên cạnh đó, giai đoạn 0-3 tuổi, là giai đoạn cần được bố mẹ chú ý, quan tâm và theo dõi sự phát triển của con. Trong gian đoạn này, nếu có biểu hiện bất thường thì cần sớm đưa con đến các nhà chuyên môn. Thế nhưng, hiện này nhiều bố mẹ lại “phó mặc” con cho người giúp việc hoặc ông bà.
Ông Tâm kể: “Khi mời một người đến nhà giúp việc, họ không hiểu bé phát triển đến giai đoạn nào, họ chỉ làm công việc, giữ làm sao cho trẻ an toàn trong khi đó họ không hiểu tâm lý, tính cách như thế nào, tương tác như thế nào, họ hoàn toàn không biết. Khi trẻ khóc, họ có thể mở ti vi hay đưa ipad cho trẻ. Vô tình khiến trẻ không được tương tác với người khác, mà chỉ tương tác một chiều với các thiết bị công nghệ”.
“Nếu không có sự tương tác giao tiếp bằng ngôn ngữ, nhận thức trẻ sẽ chỉ tiếp cận những âm thanh từ ti vi… não trẻ không thể xử lý được, dẫn đến rối loạn ngôn ngữ”, ông Tâm chia sẻ.
Ông Tâm nói thêm: “Khi tôi đặt hỏi “một ngày bạn dành được cho con mình bao nhiêu thời gian?” Có người nói, mỗi ngày giành cho bé được 30 phút, có người nói “đi suốt ngày, khi ba trở về con đã đi ngủ mất rồi”. Có người lại nói “làm về mệt mỏi cũng không chơi với con mà để việc chăm sóc, chơi với con cho người giúp việc hoặc ông bà….”.
Trong khi trẻ cần tình yêu thương, sự chăm sóc gần gũi của cha mẹ rất lớn. Bố mẹ là chỗ dựa cho con, ông bà cũng không thể thay thế được.
Ông Tâm kể thêm: “Nhiều gia đình đến gặp tôi và nói rằng, em nuôi con theo kiểu hiện đại, ông bà nuôi theo kiểu truyền thống. Rốt cuộc cả hai cách truyền thống và hiện đại đều không phù hợp, mình phải chăm sóc trẻ trên nhu cầu của trẻ cần. Mâu thuẫn giữ các thế hệ khó giải quyết, đứa trẻ sẽ phát triển như thế nào?”.
Hiện nay, tại các trường mầm non có chương trình phát hiện sớm, sau khi nhận trẻ vào học một tuần có thể phát hiện. Đồng thời, các giáo viên mầm non đều được đào tạo về công tác sàng lọc. Các cô chỉ sàng lọc ban đầu, khi phát hiện ra những vấn đề này thì đưa trẻ đến bệnh viện để khám và đánh giá.
Ví dụ: Có những trẻ chỉ bị ho, sổ mũi, nhưng khi đến khám tại viện nhi, các bác sĩ phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trong phát triển nhận thức của trẻ.
Ảnh minh họa.
Phát hiện sớm rất quan trọng
Theo ông Tâm, bác sĩ tiếp xúc với trẻ chỉ có một lần, mỗi lần chỉ có từ 15-30 phút, thời gian đó chưa thể phán đoán chuẩn xác. Với những trẻ bị rối loạn phát triển, bác sĩ phải làm việc, tiếp xúc với trẻ ít nhất vài lần để tìm hiểu.
Ông Tâm ví dụ: Ở nước ngoài, người được quyền đưa ra quyết định trẻ có bị rối loạn phát triển, trẻ tự kỷ là những bác sĩ tâm thần nhi. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có các bác sĩ tâm thần nhi. Như vậy, thường là các bác sĩ không phải nhà tâm thần nhi lại làm công tác chuẩn đoán đứa trẻ có bị tự kỷ hay không. “Đây là lý do tại sao trẻ tự kỷ Việt Nam tăng”, ông Tâm nhấn mạnh.
Một tồn tại mà ông Tâm dẫn chứng ra thêm: “Hiện nay mình chỉ lo làm ở ngọn, trong khi đó gốc là chuẩn đoán, đánh giá, làm rất yếu đồng thời, chỉ lo đi chữa trị còn việc phải hỗ trợ trị liệu thì lại không làm. Trong khi đó, phụ huynh khi thấy giấy chuẩn đoán của bệnh viện đưa về họ rất hoang mang lo lắng. Họ tìm kiếm mọi cách, mang con đi nhiều nơi, càng đi càng rối dẫn đến đứa trẻ trị liệu không đúng, hỗ trợ hiệu quả, phụ huynh mất thời gian, công sức và trẻ được can thiệp muộn”.
Ông Tâm cũng chia sẻ, phụ huynh sẽ trải qua 5 giai đoạn tâm lý khi phát hiện con mình mắc khuyết tật:
Giai đoạn 1: Không chấp nhận thời gian kéo dài mất 1 năm.
Giai đoạn 2: Đổ thừa, tìm ra nguyên nhân do nhà chồng hay nhà mình.
Giai đoạn 3: Chấp nhận, nhưng chấp nhận ở mức chữa bệnh, chứ không phải giúp con, để con phát triển.
Giai đoạn 4: Hợp tác với các nhà chuyên môn.
Giai đoạn 5: Hỗ trợ cho con.