Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nợ xấu chưa đến mức hốt hoảng

Chính trị - Ngày đăng : 23:20, 21/08/2012

Cung cấp số liệu nợ xấu của nhiều “đại gia” cũng như xác nhận con số toàn hệ thống là 8,6%, nhưng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sức khỏe của các nhà băng hiện không đến nỗi “hốt hoảng” hay “quá nguy kịch”.

Ngày 21-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã họp phiên chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về vấn đề quản lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng (NH) và việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, đào tạo nghề đối với lao động là người dân tộc... Phiên họp được thực hiện trực tuyến tới tất cả các Đoàn Đại biểu QH của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nợ xấu các ngân hàng có xu hướng tăng

 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng và hệ thống NHNN còn cao; việc sáp nhập các NHTM có phải là sự “thâu tóm” thị trường tín dụng hay không, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Từ năm 2008 đến nay, nợ xấu của các NH có xu hướng tăng nhanh. Tính đến ngày 31-5-2012, nợ xấu của hệ thống là gần 120.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng.  

 

Nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút... 

 

Ông Bình cũng thừa nhận, công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của một số NH còn bất cập như công tác thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa tuân thủ đúng quy định; Công tác phân tích, đánh giá, phân loại khách hàng, lĩnh vực kinh doanh chưa sát với thị trường để có biện pháp ứng xử kịp thời; Việc đánh giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực tế, nhận tài sản đảm bảo không đầy đủ tính pháp lý, có tranh chấp dẫn tới tình trạng khó xử lý, phát mại hoặc phát mại được thì giá trị thu hồi thấp.

 

Cũng theo ông Bình, các số liệu về nợ xấu có khác nhau giữa NHNN và các tổ chức tín dụng là do căn cứ vào các tiêu chí phân loại nợ, khả năng thu hồi nợ mang tính định lượng và định tính... Tuy nhiên, con số do NHNN đưa ra là có căn cứ và NHNN thực hiện việc điều hành theo con số này.  

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nợ xấu chưa đến mức hốt hoảng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn

 

Về trách nhiệm trực tiếp của đơn vị, Thống đốc cho rằng, năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và rủi ro trong hoạt động tín dụng của các NH, nhất là các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và việc đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

 

Về việc xử lý các NHTM yếu kém, Thống đốc Bình cho biết, đến nay, 3 NH: Sài Gòn, Đệ Nhất, Tín Nghĩa đã được hợp nhất. NH Tiên Phong đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng tự củng cố, chấn chỉnh. NH Nhà Hà Nội đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào NH Sài Gòn - Hà Nội. Phương án cơ cấu lại NH Dầu khí đang được trình Thủ tướng cho ý kiến. Ba NH yếu kém còn lại đang được khẩn trương xem xét phương án cơ cấu lại. Các NH được sáp nhập đến nay hoạt động tốt, khâu lãnh đạo cũng được cải tổ chặt chẽ hơn. Ông Bình cũng khẳng định, không có sự “thâu tóm” quyền lực trong việc sáp nhận các NH này.

 

Trước ý kiến của các ĐB lo lắng về việc NHNN “bơm tiền” (mua - bán nợ xấu), cứu thị trường tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN đã chỉ đạo các NH thực hiện đúng quy định về hoạt động cho vay, tỷ lệ an toàn vốn và giới hạn cấp tín dụng, không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ cũ. Các NH cũng buộc phải tiến hành cơ cấu lại nợ để giảm khó khăn tài chính tạm thời cho doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, thực hiện việc mua bán nợ theo quy định. Trường hợp NH có nhu cầu chào mua, bán các khoản nợ nhưng chưa tìm được bên bán nợ/bên mua nợ, NHNN cũng yêu cầu các đơn vị này tổng hợp, báo cáo để thông tin, khuyến nghị các tổ chức tín dụng khác tham gia mua/bán.

 

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các NH sẽ thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp. Đối với khách hàng là doanh nghiệp được đánh giá có triển vọng phát triển, NH có thể sử dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp theo quy định. 

 

Thống đốc Bình cũng khẳng định, nợ xấu của chúng ta hiện nay chưa đến mức đáng lo ngại, so với các nước trên thế giới Việt Nam vẫn còn thấp hơn rất nhiều. Hiện nay, chúng ta đã trích lập được 70.000 tỷ quỹ dự phòng để chống rủi ro và 80% các khoản nợ vay có tài sản đảm bảo.

 

Khó quản lý được lao động nước ngoài tại Việt Nam

 

Trước đó, UBTVQH cũng đã họp chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về các vấn đề liên quan đến quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, đào tạo nghề cho các lao động khu vực miền núi.

 

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyên và Trần Văn Tấn ở Tiền Giang cùng nhiều ĐB khác về việc quản lý số lao động phổ thông nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam rất đông, nhất là các dự án bô xít, trong khi rất nhiều lao động trong nước không có việc làm? Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH  cho biết: Đúng là gần đây có tình trạng các nhà thầu, nhất là nhà thầu châu Á sử dụng lao động của nước họ để làm việc và cũng có cả những lao động vào Việt Nam theo con đường du lịch. Trong khi theo quy định, ngành lao động chỉ có trách nhiệm cấp đăng ký đủ điều kiện cho lao động làm việc trên 3 tháng. Ngoài ra, những đối tượng này cũng thuộc sự quản lý của UBND các cấp. Bộ trưởng Chuyền thừa nhận, vấn đề lao động nước ngoài tại Việt Nam đang rất phức tạp, tới đây, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Công an chấn chỉnh lại hoạt động này.

 

Cùng tham gia trả lời chất vấn nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm cho biết: Hiện có 78.000 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có 44.000 người được cấp phép và có hợp đồng lao động. Hiện nay, chúng ta có đủ quy định pháp luật, hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng lao động nước ngoài không phép, nhưng việc xử lý đối với những đối tượng này hiện nay rất khó khăn vì thiếu cơ sở lưu trú, không có kinh phí đưa lao động này về nước.

 

Liên quan đến dạy nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tỷ lệ đào tạo nghề đối với lao động này hiện nay còn thấp, chiếm khoảng 20% lao động cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí đào tạo nghề của các địa phương còn hạn chế; các doanh nghiệp không mặn mà trong đào tạo và đầu tư vào các khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cách thức đào tạo đối với đồng bào dân tộc chưa phù hợp, khiến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho khu vực này còn hạn chế. 

 

Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh cách thức đào tạo cho phù hợp từng vùng, miền. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Để giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác dạy nghề, trong năm 2012, Bộ sẽ tổng kiểm tra chương trình dạy nghề trên cả nước. 

 

Mai Thoa