70% người Việt nhiễm vi khuẩn gây ung thư dạ dày: Không nên quá lo lắng

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:44, 27/09/2017

TS.BS Nguyễn Công Long - Phó trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, người dân không nên quá lo ngại bởi hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời, hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

Có phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là ung thư dạ dày?

Thống kê tại Hà Nội, cứ 1.000 người có tới 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP (nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư). Còn tại TP.HCM có tới 90% người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này. Rất nhiều người hiện nay khi đi khám bệnh phát hiện thấy vi khuẩn HP trong đường ruột đã rất hoang mang, lo lắng.

Theo BS Long, đã đến lúc cần có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò sinh bệnh của HP trong các bệnh về dạ dày, tá tràng và những trường hợp nào mới thật sự cần thiết phải làm xét nghiệm chẩn đoán HP và điều trị triệt để.

Trên thực tế, các bệnh nhân mắc viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày có tìm thấy sự xuất hiện của vi khuẩn HP hoặc nó còn có mối liên quan xuất huyết giảm tiểu cầu hay tim mạch… Tuy nhiên, HP là yếu tố nguy cơ bệnh tật chứ không phải là nguyên nhân. Và không phải ai nhiễm vi khuẩn HP cũng dẫn đến viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày.

70% người Việt nhiễm vi khuẩn gây ung thư dạ dày: Không nên quá lo lắng

Nội soi phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa

“Ở điều kiện bình thường, vi khuẩn HP không gây tác động nhiều nhưng trong điều kiện stress, cơ thể có nhiều thay đổi, chế độ ăn uống không phù hợp, vi khuẩn HP sẽ hoạt động mạnh, tiết ra các chất làm vùng niêm mạc dạ dày bị xung huyết, khó liền và tổn thương. Tỷ lệ ung thư dạ dày của người nhiễm HP chỉ là 1-3%, điều này tùy thuộc vào vai trò gene của người bị nhiễm cũng như vào các loại gene độc hại của một số vi khuẩn HP”, BS Long cho hay.

Cũng theo BS Long, có đến 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số đó chỉ có một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày, tá tràng, chỉ rất ít trường hợp mới thật sự tiến triển thành ung thư dạ dày. Hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng".

Diệt trừ HP như thế nào?

Để phát hiện vi khuẩn HP, có rất nhiều phương pháp, nhưng các cách thường dùng trong lâm sàng là Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao tùy vào từng bệnh nhân cụ thể.

Theo đó, BS Long cho biết, diệt trừ HP thường sử dụng phác đồ điều trị ba thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. Vì vậy, có trường hợp cần phải điều trị nhiều lần bằng những phác đồ khác nhau.

Chỉ cần diệt vi khuẩn HP những trường hợp sau: Có tiền sử bố mẹ mắc bệnh ung thư dạ dày, cần sàng lọc xem có nhiễm HP hay không để diệt và cần tầm soát sớm ung thư dạ dày; Người có vi khuẩn HP gây loét dạ dày, hành tá tràng, biến chứng xuất huyết, không diệt tỷ lệ tái phát cao gây chảy máu dạ dày; Người phát hiện ung thư dạ dày, sau điều trị, cắt nội soi, cũng cần tìm kiếm HP và nếu có thì cần diệt…

“Do việc điều trị diệt HP khá phức tạp với sự kết hợp nhiều loại kháng sinh và kéo dài liên tục 14 ngày nên thực sự cần thiết mới diệt”, ông Long cho hay.

Hiện nay y học chỉ ra có 2 con đường lây nhiễm vi khuẩn HP khá rõ nét là qua đường ăn uống và qua phân. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

“Để giảm các triệu chứng gây ra của viêm loét dạ dày nên thực hiện việc ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, không nên ăn đồ mặn, không thức khuya, giảm stress do công việc cũng như cuộc sống riêng, năng tập thể dục, yoga, thiền để có tâm trạng thư thái, ngủ đủ giấc rất quan trọng giúp niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi", BS Nguyễn Công Long tư vấn.

Bên cạnh đó, cần tránh ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như có nồng độ axit quá cao, tránh rượu bia…bởi nếu không tuân thủ các phương pháp trên thì rất có thể khi đã chữa khỏi vi khuẩn HP vẫn bị tái phát.

"Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt HP khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa", BS Long nhấn mạnh.
 

Thảo Nguyên