Thanh Hóa: Nhiều địa phương còn thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:03, 07/09/2017

Ngày 7/9, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có công văn, chỉ thị về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn nhưng thực tế vẫn có nơi, có địa phuơng và người dân chưa nhận thức đầy đủ, còn thờ ơ về phòng chống dịch.

Thanh Hóa: Nhiều địa phương còn thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Thanh Hóa rất cao nếu không có giải pháp đồng bộ

Theo thống kê, số ca bệnh từ các tỉnh thành phố khác về các cơ sở y tế của Thanh Hóa điều trị là 1.317 người, chiếm đến 87% . Số người mắc bệnh tại địa phương là 227 người. Trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 ổ dịch tại xã Hải Thanh, Hải Bình, huyện Tĩnh Gia và Hoằng Thanh huyện Hoằng Hóa, nhưng đáng quan tâm là số ca bệnh sốt xuất huyết ngoại lai và sốt xuất huyết tại địa phương nằm rải rác ở 26/27 huyện, thị xã, thành phố, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch rất cao nếu công tác vệ sinh môi trường không đảm bảo và có muỗi truyền bệnh.

Ngành y tế đã triển khai Kế hoạch số 52 ngày 3/4/2017 của UBND tỉnh về phòng chống dịch sốt xuất huyết trên người, đồng thời thực hiện giám sát dịch chủ động qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất  diệt muỗi chủ động tại  44 xã có nguy cơ cao về sốt xuất huyết, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ dộng giám sát các bệnh nhân sốt xuất huyết tại địa phương và bệnh nhân từ các nơi khác về điều trị, sinh hoạt tại địa phương.

Tuy nhiên, khó khăn trong phòng chống sốt xuất huyết hiện nay là số bệnh nhân ngoại lai tại Thanh Hóa quá cao làm tăng nguy cơ dịch bùng phát từ mầm bệnh ngoại lai. Thanh Hóa nằm gần các tỉnh thành phố, đặc biệt là Hà Nội, nơi dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân còn thờ ơ, chưa quan tâm đến phòng chống dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành y tế.

Thanh Hóa: Nhiều địa phương còn thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết

Diệt loăng quăng, bọ gậy từ các vật chứa nước là cách phòng, chống hiệu quả sốt xuất huyết

UBND tỉnh đã có công văn, chỉ thị về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh nhưng thực tế vẫn có nơi, có địa phuơng và một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, còn thờ ơ về phòng chống dịch. Từ nay đến tháng 11 là thời gian trọng điểm của dịch sốt xuất huyết, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế, cấp ủy chính quyền  các địa phương quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị  tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt là phải tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo. Mục tiêu là phải kiềm chế không để phát sinh các ổ dịch mới, trong trường hợp có ổ dịch mới phát sinh phải bao vây dập dịch không để lan rộng.

Yêu cầu cơ quan y tế địa phương phối hợp tốt việc hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo đến từng gia đình, từng tổ liên gia trên tất cả các xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã, thành phố và các khu vực công cộng các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và tiêu diệt muỗi, bọ gậy theo yêu cầu của Bộ Y tế. Tăng cường công tác kiểm dịch biên giới đối với các khu vực cửa khẩu.

Thanh Hóa: Nhiều địa phương còn thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết

Huyện Tĩnh Gia tiếp tục là địa phương đầu tiên bùng phát dịch sốt xuất huyết

Sở Y tế triển khai phương án phòng chống dịch; chủ động ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng; nắm chắc diễn biến, tình hình dịch và bảo đảm sẵn sàng cơ sở điều trị các ca nhiễm, nghi nhiễm Dengue xuất huyết, hạn chế số người mắc và số ca tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh; phối hợp chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các hoạt động chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Huyện Tĩnh Gia là địa phương đầu tiên bùng phát dịch sốt xuất huyết trong tỉnh. Nhiều năm qua, tại địa phương này cũng liên tiếp bùng phát dịch sốt xuất huyết. Nguyên nhân đã được xác định, song huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để dịch sốt xuất huyện tại địa phương.

Sau gần 1 tháng kể từ ngày phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên vào ngày 8/8 thì đến nay, dịch sốt xuất huyết tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia vẫn chưa được khống chế. Hằng ngày trên địa bàn xã Hải Bình vẫn đang phát sinh bệnh nhân mới. Tính đến ngày 6/9, tại ổ dịch xã Hải Bình đã ghi nhận 59 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Trong khi dịch chưa được khống chế tại Hải Bình thì ngày 28/8, tại xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc sốt xuất huyết không có yếu tố ngoại lai. Đến nay, tại ổ dịch xã Hải Thanh đã ghi nhận 7 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 10 trường hợp khác có biểu hiện sốt cao đang được theo dõi.

Cả 2 xã Hải Bình và Hải Thanh đều được ngành y tế xác định là địa bàn trọng điểm của dịch sốt xuất huyết bởi đây là 2 địa phương đã nhiều lần xảy ra dịch sốt xuất huyết; đồng thời, qua giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết hằng tháng, tại 2 địa phương này luôn có chỉ số vượt ngưỡng cảnh báo dịch. Tuy nhiên, việc phòng chống cũng như bao vây, dập dịch tại đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Rõ ràng việc liên tiếp để xảy ra dịch sốt huyết nhiều năm qua tại huyện Tĩnh Gia có vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, do đã không quyết liệt giải quyết triệt để các nguyên nhân như: đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, xóa bỏ tập quán lưu trữ nước trong các chum, vại không sử dụng của người dân làm nghề chế biến và loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết tại các hộ gia đình.

Đối với công tác phòng chống và dập dịch sốt xuất huyết thì việc xử lý tốt vệ sinh môi trường, diệt trừ muỗi, loăng quăng, bọ gậy là yếu tố tiên quyết do đó bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế thì cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và cộng động để loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Nếu để bùng phát dịch, cần có chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Thanh Phương