Đến 2030, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn già hóa dân số
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:10, 23/08/2017
Tại hội thảo đối thoại chính sách về “già hóa dân số và phòng chống bệnh không lây nhiễm” trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM3 - APEC) diễn ra tại TP.HCM. PGS. TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số đến dân số già mất từ 100 – 115 năm như Anh, Đức, Việt Nam chúng ta chỉ mất khoảng 20 – 22 năm. Đi kèm theo đó, mỗi một người cao tuổi thông thường sẽ mang trong mình 1 căn bệnh mãn tính không lây, thậm chí là 2, 3hoặc nhiều hơn nữa".
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, ước tính mỗi giây trên thế giới có 2 người bước vào độ tuổi 60. Tại Việt Nam hiện nay có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có gần 19 triệu người cao tuổi và năm 2050 là hơn 28 triệu người. Phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một trong những trọng tâm ưu tiên của các nhà lãnh đạo APEC.
Bên cạnh đó, đối thoại "Thúc đẩy các biện pháp đối với bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc trong khu vực APEC" cũng được đánh giá là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của Nhóm công tác về y tế. Đây là sáng kiến của Việt Nam nhằm thúc đẩy cam kết chính trị của các thành viên APEC đối với vấn đề phòng chống bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc, là bệnh lý có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, có nguy cơ tử vong cao và lây lan nguy hiểm.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, kiêm Trưởng ban điều hành dự án phòng, chống lao quốc gia, cho biết tại Việt Nam, ước tính có 16.000 người tử vong vì lao mỗi năm, gấp đôi so với tử vong do tai nạn giao thông. Ngành y tế Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm 30% số ca mắc và 40% số ca tử vong vào năm 2020.