Cà Mau: Sốt xuất huyết hoành hành, lo ngại người dân thờ ơ
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:41, 07/08/2017
Trong đó, địa phương có số ca mắc SXH cao nhất là huyện Trần Văn Thời 461 ca; địa phương có số ca mắc thấp nhất là huyện Năm Căn 22 ca. Toàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp nào tử vong.
Tại bệnh viện đa khoa TP Cà Mau, có tới 70 trường hợp nhập viện vì mắc SXH, tuy nhiên không có các ca nặng là do phát hiện kịp thời, đưa vào viện đúng và điều trị đúng tiến độ.
Tại Khoa hồi sức tích cực chống độc nhi (bệnh viện Sản Nhi Cà Mau), chỉ trong vòng 2 tháng gần đây cũng đã ghi nhận 30 ca SXH, đa phần là biến chứng nặng, suy đa cơ quan, suy hô hấp…; phần lớn trẻ mắc bệnh thường trong độ tuổi từ 5-15 tuổi.
Đậy kín các dụng cụ chứa nước là biện pháp phòng, chống SXH hiệu quả
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do đang vào mùa mưa, thuận lợi để muỗi phát triển gây bệnh. Một phần do một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, còn chủ quan đối với dịch bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh SXH có nhiều trường hợp nhẹ trong vài ngày đầu, nhưng khi đã chuyển biến nặng và nguy kịch thì không được phát hiện, hoặc có phát hiện nhưng bị xem thường, điều trị muộn, điều trị không đúng phác đồ, dẫn đến biến chứng cho bệnh nhân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH trên địa bàn tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phát động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng nhằm phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn; giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; có biện pháp xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch SXH.
Đồng thời, tổ chức dọn dẹp, vệ sinh, phun hóa chất, đặc biệt những nơi trú ngụ của của lăng quăng, những công trường xây dựng, các dụng cụ chứa nước, khu vực tập trung đông dân cư; tuyên truyền người dân khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.