Bệnh viện quá tải, bác sĩ chỉ cách chăm sóc người bị sốt xuất huyết tại nhà
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:13, 30/07/2017
TS.BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, SXH là bệnh do virus gây ra, lây truyền thông qua muỗi cắn và vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Cho nên, việc tốt nhất là phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng tránh bệnh trong xã hội”.
Theo BS Cường, người bị SXH thường sốt cao trong khoảng 3 đến 5 ngày, đau mỏi người, nhức hố mắt sau, chán ăn, buồn nôn. Xuất huyết có thể qua chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn là bị rong kinh, rong huyết, đi ngoài phân đen, xuất huyết tương.
Cho đến thời điểm này các cơ sở y tế tại Hà Nội và phía Nam đang gồng mình chống dịch SXH. Hàng trăm trường hợp nặng phải nhập viện điều trị nội trú khiến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng quá tải. Để tránh tình trạng quá tải không cần thiết tại bệnh viện, các bác sĩ đã hướng dẫn cách điều trị cho người bị SXH ở nhà an toàn và hiệu quả.
Tuân thủ y lệnh
Khi nghi ngờ bị SXH thì cần đến khám ở cơ sở y tế gần nhất và khi đã được bác sĩ chẩn đoán là bị SXH thì cần tuân theo sự tư vấn của bác sĩ. Người bị SXH cấp 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày khám lại.
Việc làm đầu tiên chính là cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Sau khi sử dụng thuốc, cứ cách khoảng 5 giờ thì cặp nhiệt độ cho bệnh nhân để theo dõi tình trạng sốt có hạ xuống hay không.
TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai)
Khi bị sốt do SXH, người bệnh có thể dùng Acetaminophen hoặc Paracetamol để hạ sốt. Trong mỗi sản phẩm thuốc đều ghi rất rõ liều dùng, cách dùng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc cho đúng. Cách 4 - 6 giờ mới được dùng thuốc một lần. "Tuyệt đối không được dùng Aspirin và Ibuprofen... vì nó làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị SXH và có thể gây ra các tác dụng phụ cho bệnh nhân", BS Cường lưu ý.
Đặc biệt, không được thấy sốt thì tự ý mua thuốc hạ sốt, vì một số loại thuốc hạ sốt có khả năng ảnh hưởng xấu đến dạ dày, làm tăng nguy cơ chảy máu.
Lau mát cho bệnh nhân
Với SXH, bệnh nhân có thể sốt cao lên đến 39-40 độ C. Song song với việc sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, cần thường xuyên lau mát cho bệnh nhân để giúp giảm nhiệt độ cơ thể.
Ngoài ra, nên để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi ở khu vực thoáng mát và mặc quần áo thoải mái để hỗ trợ cho việc chườm mát và hạ sốt. Đây chính là điều lưu ý đầu tiên đối với cách chăm sóc bệnh nhân sốt SXH mà mọi người cần phải biết.
Bổ sung đủ nước cho cơ thể
SXH thường gây mất nước vì thế người bệnh thường có cảm giác khát nước. Vì vậy khi bị sốt, người bệnh nên uống đủ nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500 ml/ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000-2.500 ml/ngày. Có thể uống nước dừa, nước trái cây để thay thế.
Qua thực tế điều trị tại BV Bạch Mai, BS Cường cho biết, có một sai lầm phổ biến là hầu hết người bệnh bị SXH đã tự mua thuốc điều trị tại nhà trước đó, không ít trường hợp còn thuê người đến truyền dịch tại nhà hoặc đến truyền dịch ở phòng khám tư, chỉ khi thấy bệnh không đỡ mà tiến triển nặng hơn mới đi viện.
Để việc chữa trị SXH có hiệu quả, hạn chế biến chứng, tử vong, người bệnh SXH không được tự ý truyền dịch tại nhà. Đặc biệt, tuyệt đối không được truyền dung dịch đạm, pha vitamin cho bệnh nhân SXH vì rất dễ dẫn tới sốc, BS Cường khuyến cáo.
Tái khám hàng ngày
Do tình trạng quá tải, một số trường hợp SXH nhẹ có thể được cho điều trị ngoại trú (không nằm viện) với yêu cầu tái khám hàng ngày, có khi tái khám nhiều lần trong ngày. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng những điều này, không được tự ý ngừng tái khám dù thấy bệnh tình không trầm trọng hoặc hết sốt. Vì nếu không theo dõi sát sao, có những trường hợp bệnh sẽ trở nặng dù hết sốt.
Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu sau để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay: lừ đừ, li bì, bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh.
Theo BS Cường, hiện nay chưa có vắc xin để phòng nhiễm virus Dengue và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng chống SXH chủ yếu dựa vào phòng chống muỗi A.aegypti, tức là cắt đứt con đường lây truyền của bệnh.
Thông điệp phòng ngừa bệnh SXH từ Bộ Y tế Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát tỉ lệ tử vong do bệnh SXH Dengue. Từ năm 2005 đến nay, tỉ lệ tử vong do bệnh SXH Dengue là dưới 1/1.000 trường hợp. Tuy nhiên, kết quả phòng chống để giảm số trường hợp mắc SXH cũng còn hạn chế, đặc biệt chu kỳ bệnh SXH thường từ 3 - 5 năm. Thông điệp phòng chống bệnh SXH được khuyến cáo như sau: - Mọi gia đình hãy đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng nhằm ngăn chặn bệnh SXH. - Hãy thả cá vào các lu, chum, vại, bể chứa nước để diệt bọ gậy (lăng quăng), phòng chống SXH. - Lật úp các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các vật liệu phế thải để loại trừ bọ gậy, phòng chống SXH. |