Ban hành Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh là cần thiết

Chính trị - Ngày đăng : 15:24, 20/08/2012

Dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - an ninh do Chính phủ trình tại phiên họp sáng nay 20-8 đã được UBTVQH nhất trí trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Ban hành Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh là cần thiết

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày tờ trình dự án Luật. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình dự án Luật tổng kết 10 năm thực hiện công tác giáo dục quốc phòng-an ninh, trong đó nhấn mạnh giáo dục quốc phòng-an ninh cho công dân có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia; mục tiêu cơ bản xuyên suốt của giáo dục quốc phòng-an ninh của các quốc gia trên thế giới đều nhằm giáo dục trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quốc phòng, an ninh cần thiết, để mỗi công dân có thể thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đến nay, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Giáo dục quốc phòng.

Để khắc phục những hạn chế, đưa nhiệm vụ giáo dục quốc phòng-an ninh đi vào chiều sâu, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, việc ban hành Luật giáo dục quốc phòng-an ninh là cần thiết và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Dự thảo Luật bao gồm 6 chương, 42 điều quy định về giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng-an ninh; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giáo dục quốc phòng-an ninh. Mục tiêu giáo dục quốc phòng-an ninh nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng-an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ cho rằng trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân thì việc ban hành Luật giáo dục quốc phòng-an ninh là rất cần thiết.

Tại tờ trình, Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quan điểm về hai vấn đề còn khác nhau trong quá trình xây dựng luật. Thứ nhất, về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, theo Chính phủ cần được quy định tại dự thảo luật. Vì đây là đối tượng trực tiếp quản lý người lao động, nên phải bồi dưỡng như các đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành với quan điểm của Chính phủ cho rằng việc quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho người quản lý, người đại diện theo uỷ quyền tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là phù hợp.

Vấn đề thứ hai còn có ý kiến khác nhau là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, Chính phủ cũng đồng ý với quan điểm cần có quy định tại dự thảo luật vì đây là đối tượng có vai trò, vị trí nhất định trong đời sống tinh thần của xã hội nên cần nắm được kiến thức quốc phòng - an ninh một cách hệ thống, sâu rộng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để có chương trình đào tạo riêng, phù hợp với đối tượng này. Đại biểu Ksor Phước cho rằng đối với chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, dự án Luật nên quy định trên tinh thần khuyến khích và tạo điều kiện chứ không nên quy định bắt buộc.

Bên cạnh bồi dưỡng, dự án luật cũng quy định cụ thể về phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh toàn dân. Theo đó, các địa phương, địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh cần quy định phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chủ hộ tàu, thuyền hoạt động dài ngày trên biển; chủ hộ gia đình tuyến biên giới, trên đảo, người lao động ở các vùng biên giới, hải đảo, người lao động trong các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp. Vì đây là biện pháp thiết thực góp phần củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở. 

Đánh giá về dự án Luật, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng nội dung về an ninh chưa được quy định nổi bật trong dự án Luật; đồng thời chưa thấy rõ trách nhiệm các bộ trong thực thi pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu ra 3 phạm trù cụ thể của dự án Luật bao gồm phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục. Đánh giá mỗi một phạm trù ứng với mức độ khác nhau, đại biểu đề nghị làm rõ 3 phạm trù này để áp dụng phù hợp đối với từng đối tượng cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng cần phân biệt ra các nội hàm, giáo dục tập trung đối với nhà trường, bồi dưỡng tập trung đối tượng cán bộ, công chức… phổ biến là cho toàn xã hội. Về Giáo dục quốc phòng-an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đại biểu Ksor Phước đề nghị dự án Luật cần thể hiện theo phương thức vừa học vừa chơi thì phù hợp với đối tượng này hơn.

P.Lan

(TH)