Phiên họp thứ 41 UBTVQH: Bổ sung quy định nâng cao trách nhiệm cơ quan trình dự án Luật
Chính trị - Ngày đăng : 22:07, 09/01/2020
Hai phương án lựa chọn
Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi này. Ngay sau kỳ họp, Thường trực UBPL đã phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan soạn thảo) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH.
Về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ trình 02 phương án: Phương án 1, sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan trình trong việc tiếp thu, chỉnh lý.
Phương án 2, cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Quá trình thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến lựa chọn Phương án 2; đồng thời đề nghị bổ sung các quy định nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của từng chủ thể, nâng cao sự chủ động cho các cơ quan của Quốc hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình.
Một số ý kiến tán thành Phương án 1 là giao cơ quan trình dự án chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo chỉ đạo của UBTVQH; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Trong quá trình phối hợp nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục báo cáo xin ý kiến UBTVQH về 2 phương án như Chính phủ đã trình Quốc hội và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 07/01/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 130/VPCP-PL thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ “giữ nguyên quan điểm của Chính phủ về quy trình, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8”.
Thường trực UBPL nhận thấy, tại kỳ họp thứ 8, cả 2 phương án của Chính phủ trình đã được các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị lựa chọn Phương án 2 của Chính phủ. Do vậy, Thường trực UBPL đề nghị UBTVQH cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong Luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.
Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo UBTVQH, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật, thì quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo quy trình tại 2 kỳ họp và 3 kỳ họp.
Báo cáo thêm về Phương án 2 của Chính phủ trình, Thường trực UBPL nhận thấy, quy trình tiếp thu, chỉnh lý được đổi mới, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh dự thảo luật dưới sự chỉ đạo của UBTVQH. Nếu quy định tại phiên họp Quốc hội, cơ quan trình dự án Luật lại tiếp tục có ý kiến “phản biện” đối với báo cáo của UBTVQH là không cần thiết và cũng không phù hợp với vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình.
Phương án 2 là lựa chọn tối ưu
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Luật hay chính sách phần lớn do Chính phủ trình trên cơ sở đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo. Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, tiến hành lập Hiến, lập pháp nên không thể “đổi vai”. Do đó, các phương án đưa ra cần đảm bảo tính khả thi. Dự án Luật thông qua ở 2 kỳ họp nhưng cần phải tăng thêm thời gian thảo luận, cần tính toán tăng ở khâu nào cho phù hợp, đảm bảo thời gian, tiến độ.
Quang cảnh phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữ nguyên như quy trình hiện nay nhưng có bổ sung thêm quy định để tăng thêm vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ dự án luật do Chính phủ trình. Lần thứ nhất, sau khi Quốc hội thảo luận, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Trong lần giải trình này, nếu đại biểu Quốc hội có đề xuất chính sách mới, Chính phủ phải có đánh giá tác động. Sau khi Chính phủ tiếp thu lần đầu sẽ chuyển sang cơ quan thẩm tra. Cơ quan thẩm tra tiếp tục phản biện rồi xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Căn cứ vào thảo luận và kết luận của UBTVQH, cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định chặt chẽ về việc các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm đến cùng trong quá trình làm luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Từ trước đến nay, chúng ta đều thấy Luật có hiệu lực mà văn bản hướng dẫn chưa ban hành khiến Luật chậm đi vào cuộc sống. Cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ trong công tác này.
Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: UBTVQH hoan nghênh Thường trực UBPL đã khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để bước đầu trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo những vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH. Đây cũng là dự án Luật được trình để UBTVQH cho ý kiến sớm nhất trong số các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Về những nội dung xin ý kiến của UBTVQH, trước hết, về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ý kiến chung trong UBTVQH tán thành với phương án đề xuất của Thường trực UBPL là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu chỉnh lý. Đây là phương án tiếp thu theo ý kiến đa số các ĐBQH và thực chất là phương án 2 do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nhưng có bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra và vai trò chỉ đạo của UBTVQH trong quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Với một số chính sách mới được ĐBQH đề xuất tại phiên họp gần đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động về chính sách đó để báo cáo với UBTVQH và Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan trình, UBPL, Bộ Tư pháp, để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện lại báo cáo giải trình để báo cáo, UBTVQH, Quốc hội.
Trước đó, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 41 UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp này UBTVQH cho cho ý kiến về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. UBTVQH cũng sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.