"Anti vắc xin": Cha mẹ đang đẩy con mình vào "cửa tử"

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:37, 22/07/2017

Trong khi ngành y tế đang nỗ lực tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ, thì thời gian gần đây trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vắc xin cho trẻ.

"Anti vắc xin" là có tội với cả một thế hệ

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ TW (Bộ Y tế)cho biết, việc phát minh ra vắc xin được đánh giá là thành tựu y học vĩ đại của loài người. Vắc xin ra đời đã thật sự trở thành một loại vũ khí sắc bén, hữu hiệu để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Không có bất cứ can thiệp y tế nào đem lại hiệu quả to lớn như vắc xin trong việc giảm tỷ lệ mắc và chết vì bệnh truyền nhiễm.

Đến nay, khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ vắc xin, hằng năm thế giới đã cứu được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do các bệnh truyền nhiễm.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết, vắc xin là thành quả của khoa học, điều chế một vắc xin là vô cùng khó, đưa ra thị trường được càng khó. Với những bác sĩ làm về truyền nhiễm, bác sĩ Khanh chỉ ước ao có thể có tất cả các loại vắc xin để phòng bệnh.

“Anti vắc xin” thật sự là một làn sóng gây ra mối nguy hại cho cộng đồng

Lấy dẫn chứng từ việc không có vắc xin, nhiều trẻ phải chết và tàn tật cả đời, BS Khanh nói: Việt Nam từng có thời kỳ phải chứng kiến nhiều trẻ mắc đậu mùa suốt đời sống chung với khuôn mặt rỗ, trẻ sốt bại liệt phải lớn lên với một chân teo hẳn... Bài học dịch sởi năm 2014 khiến hàng chục trẻ tử vong cũng là hậu quả của việc chống tiêm vắc xin sởi do tai biến trước đó.

Gần một đời gắn bó với nghề làm nhiễm nhi, vị bác sĩ chia sẻ: "Đã có nhiều lúc rơi vào trạng thái bất lực không thể cứu được các cháu. Nhìn thấy một đứa trẻ ho gà ho sặc sụa xanh mặt; nhìn một đứa trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân hay thậm chí động kinh; nhìn một đứa trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim đến chết, rồi phải sống đời sống thực vật… mới có thể hiểu được nỗi đau của việc không tiêm vắc xin nặng nề như thế nào".

"Nếu tự "anti vắc xin" cho một bé, 1 gia đình nhỏ thì bệnh gia đình phải chịu, chỉ tội cho bé. Nếu anti theo kiểu nhóm, kiểu hùa là có tội với một thế hệ, có tội với sức khỏe của cả một thế hệ mai sau", BS Khanh tâm sự.

Tỉnh táo trước tin đồn, trào lưu mới

Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Chính nhờ có chương trình TCMR, hàng năm chúng ta đã bảo vệ được cho được hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Đồng thời, bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa.

Trào lưu "anti vắc xin" dù mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng đang có xu hướng lan rộng trên các trang mạng xã hội. Trào lưu này càng mạnh mẽ trước những trường hợp tai biến do tiêm vắc xin, khiến nhiều bệnh nhi tử vong chỉ sau một mũi tiêm được cho là oan nghiệt. Nhiều người dân nghi ngờ và tẩy chay vắc xin trong chương trình TCMR. Đặc biệt, ở thời điểm khan hiếm vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1” dịch vụ, các phụ huynh bảo vệ con bằng cách không tiêm vắc xin.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, có thể một nhóm người nào đó, có tư tưởng chống lại vắc xin là do chưa hiểu hết vấn đề. Bởi vì, bất kỳ loại vắc xin nào dù tốt đến đâu cũng không bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.

Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của bạn và gia đình.

Hãy tỉnh táo trước khi đặt niềm tin vào một khẳng định, một quan điểm, một trào lưu nào đó. Bởi rất có thể tính mạng của gia đình bạn, của cả cộng đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào mỗi quyết định của chính bạn!

Thảo Nguyên