Chuyên gia cảnh báo lạm dụng thuốc kháng sinh ở trẻ
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:57, 05/07/2017
Với thâm niên hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực nhi khoa, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc kê thuốc kháng sinh cho trẻ thì dễ và “nhàn” hơn cho bác sĩ rất nhiều nhưng với trẻ lại không tốt bởi vì kháng sinh là “con dao hai lưỡi”, có thể đem tới hậu quả khôn lường.
Tình trạng "nhờn thuốc" đáng báo động
Hơn 30 năm trong nghề, PGS Nguyễn Tiến Dũng từng đau xót nhìn bệnh nhân ra đi chỉ vì bệnh rất đơn giản do vi khuẩn gây nên nhưng kháng sinh vô tác dụng trong trường hợp này. Đây thực sự không còn là vấn đề nhỏ mà theo PGS Dũng đây thực sự là hồi chuông cảnh báo đến các bậc cha mẹ.
"Tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh là sai lầm nghiêm trọng cần được loại bỏ, rất có hại tới sức khỏe của trẻ. Hiện nay, tình trạng cha mẹ tự làm bác sĩ ngày càng gia tăng, để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm", PGS Dũng cho hay.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai)
Theo chuyên gia này, nhiều bà mẹ quá tin tưởng vào việc dùng thuốc kháng sinh mà không biết được những hiểm họa đằng sau đó, nó có rất nhiều tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ đầu tiên mà tất cả thầy thuốc cũng phải sợ là dị ứng. Dị ứng có thể gây sốc phản vệ, diễn ra vô cùng nhanh và có thể gây chết người ngay mà không thể tiên đoán trước được. Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, nó dẫn tới tình trạng nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần. Tác dụng phụ thứ hai là tiêu chảy - đây là tác dụng hay gặp nhất.
Tác dụng phụ thứ ba ít người biết đến là dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc. Tình trạng kháng kháng sinh dẫn tới việc kháng sinh không còn có tác dụng trong quá trình điều trị. Bản thân phó giáo sư Dũng đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ bệnh trở nặng, thậm chí tử vong mà nguyên nhân là do lạm dụng kháng sinh.
Kháng sinh mua dễ như rau
Dù Bộ Y tế đã có những quy định rất cụ thể về việc mua bán sử dụng thuốc kháng sinh nhưng trên thực tế thuốc kháng sinh vẫn dễ bán và dễ mua tại các cơ sở bán thuốc. Không ít cha mẹ khi thấy trẻ sốt, ho, chảy mũi liền tự đi mua kháng sinh cho con uống.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng chia sẻ: "Trước đây tôi có làm một nghiên cứu về thói quen cung ứng cũng như sử dụng kháng sinh ở Việt Nam, và đóng giả là khách hàng đến các hiệu thuốc. Khi đó, tôi hỏi mua 2 viên thuốc kháng sinh, có những cửa hàng đã hỏi lý do và phân tích 2 viên không chữa được bệnh. Tuy nhiên cũng có cửa hàng ngay lập tức bán luôn. Sau đó, tôi có hỏi mua 1.000 viên, khi đó một cửa hàng đã bảo chờ để đi lấy thuốc kháng sinh".
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, tâm lý tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh có từ rất lâu, bởi nhiều người Việt Nam thích tiện, nhanh. Có những thuốc chữa ho, sốt thông thường, dược sĩ có thể tư vấn được cho người dân. Tuy nhiên, bởi vì quen được tư vấn những thuốc đó, mà người dân cũng dẫn tới việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách tiện thể. Nhiều người dân khi bị bệnh đã không đi khám mà xin tư vấn từ người thân, bạn bè, thậm chí tham khảo cả trên mạng internet nhưng không biết hiện có những thông tin không chính xác.
PGS. Dũng cũng đặc biệt lưu ý những trường hợp cha mẹ có thói quen cho trẻ uống kháng sinh sau 2 – 3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc. Đây là một điều rất nguy hiểm bởi khi uống thuốc, vi khuẩn đang bị yếu dần đi (nhưng chưa chết hẳn), nếu lúc này ngừng uống thuốc thì khả năng vi khuẩn không bị tiêu diệt, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.