81% bà mẹ biết giới tính của con trước khi sinh
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:59, 29/06/2017
Sau một năm triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025, Bộ Y tế phối hợp các địa phương đã tổ chức 3.667 đợt kiểm tra, giám sát đối với 487 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai nhưng số cơ sở bị xử lý sai phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay mới xử phạt được 2 nhà sách cung cấp sách sinh con theo ý muốn với mức phạt 2 triệu đồng.
Tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức cao. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, khi các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao ngày càng phát triển thì việc lựa chọn, áp đặt giới tính thai nhi cũng tăng theo, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính. Dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính nhưng số bà mẹ mang thai biết được giới tính con trước khi sinh lên đến 81%. Việc siêu âm xác định giới tính thai nhi diễn ra phổ biến, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng nên việc phát hiện và xử phạt các cơ sở vi phạm chưa hiệu quả, không đủ sức răn đe.
Nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là sự tồn tại của định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ… Điều này đã khiến tỷ số giới tính khi sinh tăng lên cao 120,2 trẻ trai/100 trẻ gái, đặc biệt với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỷ lệ này là 148,4 trẻ trai/100 trẻ gái.
Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, mặc dù đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động ở địa bàn trọng điểm, nhưng tính đến hết tháng 6/2017, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Hà Nội vẫn ở mức cao hơn trung bình của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội là 114 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi bình quân cả nước là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái.
Hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được các chuyên gia dự báo, đó là sẽ thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn vào năm 2050. Kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân; gia tăng các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái…
Theo ông Nguyễn Đình Lân, rất khó để phát hiện vi phạm tại các cơ sở y tế, phòng khám tư có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi. Bởi giới tính không ghi trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm mà là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu, trong khi muốn xử lý đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng.
Do đó, biện pháp bền vững vẫn là cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư tưởng, quan niệm “trọng nam khinh nữ”, ưa thích con trai và các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời đẩy mạnh việc bình đẳng giới.
Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố tiếp tục chú trọng tuyên truyền tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của các quận, huyện, thị xã hiện nay. Trong đó, chú trọng loại hình tư vấn đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề.