Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:08, 26/06/2017

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến nay, Hà Nội đã có trên 2.000 người bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2016.

Các khu vực là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết tại các quận nội thành, do mật độ dân cư đông đúc như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thông thường mùa dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 9 - 11 hằng năm, nhưng năm nay mùa dịch bắt đầu từ rất sớm - từ đầu tháng 5, đã có một nữ sinh viên 19 tuổi tử vong sau nhiều năm Hà Nội không có người sốt xuất huyết tử vong.

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần

Bệnh nhi bệnh sốt xuất huyết đang được điều trị

"Diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội trong năm nay phức tạp do chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ dịch những năm trước thể hiện ở số ca mắc tăng nhanh và cao sớm so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2-3 tháng. Dịch được ghi nhận trên diện rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân cao", ông Hạnh nói.

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, đến nay cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 47 tỉnh/thành phố, trong đó có 10 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương 1 trường hợp, Đồng Tháp 2 trường hợp và Trà Vinh 3 trường hợp.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, dù người mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), đặc biệt Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi và Cà Mau là những tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết tăng cao bất thường so với năm trước. Tại miền Bắc, 6 tháng đầu năm sốt xuất huyết cũng gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội tăng 190%.

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, thời gian tới, Hà Nội tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ…). Đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.

Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng chống dịch sốt xuất: tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu không để cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy như thau rửa dụng cụ chứa nước, thả cá… phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành.

“Virus sốt xuất huyết đã lưu hành nhiều týp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại. Sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus nên nhiều người thường chủ quan, dẫn tới tình trạng bệnh nặng. Bệnh nếu bị biến chứng dễ dẫn đến xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng. Người dân khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội

 

Thảo Nguyên