38 bệnh viện liên thông kết quả xét nghiệm từ 1/7

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:50, 24/06/2017

Chính thức từ 1/7 sẽ bắt đầu liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 bệnh viện tuyến Trung ương, sau đó mở rộng đến các bệnh viện hạng I trước ngày 1/1/2018.

Thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp.

Đây là chủ trương để các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27/2/2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025 và Công văn số 1154/VPCP-KGVX ngày 13/2/2017 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm đối các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương.

38 bệnh viện liên thông kết quả xét nghiệm từ 1/7

38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm. Ảnh minh họa

Cụ thể, lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ được thực hiện trước ngày 1/7/2017; bệnh viện hạng I và tương đương trước ngày 1/1/2018. Đến năm 2025, sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện khoảng 4,75 triệu lượt. Tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì việc các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau giúp tiết kiệm hơn 237 tỷ đồng.

Theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, khi kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. Bệnh viện chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.

Hiện Bộ Y tế cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học tại các bệnh viện theo 5 mức: Rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và không xếp hạng. Đây cũng là bộ công cụ để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện nói chung, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm nói riêng, nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giảm phiền hà và giảm chi phí cho người bệnh.

Thảo Nguyên