Đau ngực, khó thở vì 'chung sống' với xương cá

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:00, 22/06/2017

Thông tin từ bệnh viện Tai Mũi Họng, TP.HCM cho biết vừa cấp cứu gắp thành công đoạn xương cá bịt lòng phế quản của bệnh nhân P.H.T (52 tuổi, quê Bình Dương).

Trước đó, BV Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân P.H.T., có triệu chứng ho, đau ngực. Được biết, khoảng 10 ngày trước, ông T. có ăn canh cá lọc và bị sặc, khó thở. Sau đó, ông T. có đi khám và điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không khỏi.

Đau ngực, khó thở vì 'chung sống' với xương cá

Bệnh nhân P.H.T., 52 tuổi

Tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM, sau khi kiểm tra sơ bộ, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đau tức ngực không phải vì viêm phổi hay các bệnh lý tương tự, mà có dị vật nằm sâu bên trong đường thở.

Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện trong đường thở của bệnh nhân có vật cản quang trong phế quản và ứ khí trong thùy dưới phổi phải. Ngay sau đó, bệnh viện tiến hành nội soi, hình ảnh thám sát phát hiện dị vật là một chiếc xương cá đang gim chặt vào phế quản góc thùy dưới phổi phải. Chiếc xương cá (có kích thước 0,2 x 0,5cm ) nhanh chóng được gắp ra ngoài.

Đau ngực, khó thở vì 'chung sống' với xương cá

Chiếc xương cá ghim vào phế quản bệnh nhân

Bác sĩ CKII Dương Thanh Hồng - Trưởng khoa Tai Đầu Mặt Cổ (Tai Mũi Họng TP.HCM) cho biết, khi dị vật lọt vào đường thở rất dễ gây ra biến chứng. “Đây là một trường hợp điển hình, bỏ quên trong thời gian ngắn là 10 ngày. Có những trường hợp lâu hơn, vài tháng, thậm chí 3-5 năm. Với trường hợp này là xương cá “lành tính”. Bệnh nhân ho, tức ngực, khó thở khi dùng thuốc kháng sinh thì nó giảm dần đi sau đó thì tái diễn nhiều lần. Với trường hợp dị vật bỏ quên thì nguy cơ là viêm phổi tái diễn nhiều lần, gây viêm phổi nặng”, BS Hồng nói.

BS Hồng cho hay, có nhiều người bệnh khi bị mắc dị vật không đến bệnh viện để chữa trị mà lại nhờ vào các phương pháp dân gian. Trong số này, có nhiều trường hợp không “may mắn” khỏi bệnh. Khi tìm đến bệnh viện thì xương đã đâm sâu vào thực quản (xương vịt, gà), gây áp xe, làm vỡ mạch máu với tỉ lệ tử vong đến 90%.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để tránh nguy hiểm khi bị hóc xương người bệnh không nên đưa tay vào móc họng, không cố tìm cách lấy xương ra hoặc nhờ thầy vuốt mà nên đến cơ sở y tế gần nhất nhờ hỗ trợ. Nếu là hóc xương ở vị trí gần chỉ cần đè lưỡi bác sĩ sẽ dễ dàng gắp được dị vật, nếu hóc xương ở vị trí xa cần phải can thiệp chuyên môn sâu.

Huy Hoàng