TP.HCM ban hành khuyến cáo sử dụng kháng sinh
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:19, 17/06/2017
Kháng thuốc kháng sinh không phải là vấn đề mới nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, không chỉ là vấn đề riêng ở nước ta mà trên toàn thế giới. TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành bộ khuyến cáo này.
14 nội dung này sẽ được triển khai tại tất cả bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Những khuyến cáo được các chuyên gia về vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, Ban Phác đồ điều trị ở TP.HCM xây dựng và đồng thuận trên cơ sở những quy định pháp luật do Bộ Y tế ban hành, kinh nghiệm triển khai thực tiễn của các bệnh viện đầu ngành.
Ảnh minh họa
- Triển khai hiệu quả “Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh” theo hướng dẫn của Bộ Y tế là trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện. Lập kế hoạch hoạt động hàng năm, phân công một thành viên Ban giám đốc chịu trách nhiệm chính, phân bổ nguồn lực hợp lý, đảm bảo triển khai đầy đủ các hoạt động của chương trình, định kỳ có sơ kết, đánh giá.
- Thành lập “Ban quản lý sử dụng kháng sinh” của bệnh viện với thành phần chính là đại diện Ban giám đốc và một số khoa phòng có liên quan.
- Xây dựng, cập nhật phác đồ điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh dựa trên các chứng cớ khoa học tin cậy đồng thời kết hợp với tình hình đề kháng và mức độ nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn tại bệnh viện hoặc trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng “Danh mục kháng sinh cần được phê duyệt trước khi sử dụng” phù hợp với mô hình bệnh tật của từng bệnh viện và theo quy định hiện hành.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo liên tục cho tất cả bác sĩ điều trị của bệnh viện về phác đồ điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh, các quy định, quy trình về sử dụng kháng sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn. Khuyến khích bệnh viện chọn các nội dung tập huấn này làm trọng tâm cho chương trình đào tạo liên tục hàng năm của bệnh viện.
- Tăng cường giám sát, kiểm soát việc sử dụng kháng sinh đảm bảo tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.
Các bác sĩ, dược sĩ nên tư vấn cho người bệnh không tự ý sử dụng kháng sinh
- Triển khai thường xuyên hoạt động giám sát kê đơn hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị với nhiều hình thức như: giám sát hồ sơ bệnh án, giám sát đơn thuốc, giám sát thực hành tại khoa lâm sàng.
- Triển khai định kỳ hoạt động phân tích tình hình sử dụng kháng sinh theo phương pháp ABC/VEN nhằm xác định những kháng sinh sử dụng với số lượng lớn hoặc chiếm chi phí cao, kết quả phân tích là căn cứ thực tiễn để Hội đồng thuốc và điều trị lập kế hoạch giám sát, lượng giá việc sử dụng của từng kháng sinh cụ thể.
- Đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện, tăng cường vai trò của dược sĩ lâm sàng trong quản lý kê đơn thuốc hợp lý, bao gồm: tham gia hội chẩn lựa chọn kháng sinh đặc biệt trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn đa kháng, điều chỉnh liều lượng kháng sinh,… Khuyến khích các bệnh viện triển khai việc theo dõi nồng độ kháng sinh trong máu đối với những thuốc có khoảng trị liệu hẹp như vancomycin, aminoglycosides nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Khuyến khích các bệnh viện triển khai hoạt động vi sinh lâm sàng nhằm hỗ trợ tư vấn cho bác sĩ điều trị trong việc lựa chọn kháng sinh hợp lý.
- Không ngừng nâng cao năng lực xét nghiệm vi sinh tại bệnh viện nhằm tối đa hóa khả năng phát hiện vi khuẩn gây bệnh làm cơ sở cho việc lựa chọn kháng sinh hợp lý. Tổng hợp và phân tích dữ liệu vi khuẩn đề kháng kháng sinh trong bệnh viện.
- Tăng cường năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện thông qua các biện pháp vô khuẩn trong thực hành chăm sóc, thăm khám và điều trị người bệnh, bao gồm: vệ sinh tay, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ tái sử dụng, vệ sinh môi trường.
- Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh theo quy định của Bộ Y tế phù hợp với tình hình của bệnh viện. Căn cứ từng chỉ số, bệnh viện có kế hoạch theo dõi, giám sát và đề ra các can thiệp cụ thể để cải tiến.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý. Triển khai các công cụ trực tuyến giúp bác sĩ điều trị tiếp cận nhanh và kịp thời các phác đồ điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh.
- Tư vấn cho người bệnh không tự ý sử dụng kháng sinh là trách nhiệm của bác sĩ điều trị, dược sĩ. Tăng cường hoạt động truyền thông cho nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân về sử dụng kháng sinh hợp lý và phòng chống đề kháng kháng sinh bằng nhiều hình thức