Hà Nội: Ghi nhận 2 trường hợp tử vong do chó dại cắn

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:41, 12/06/2017

Theo thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bị chó mắc bệnh dại cắn.

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trường hợp mới nhất là một bệnh nhân 34 tuổi, ở Ba Vì, tử vong do chó dại cắn vào tháng 5. Cả 2 trường hợp sau khi bị chó cắn đều chủ quan không đi tiêm phòng nên khi phát bệnh dại lên cơn không thể cứu chữa được.

“Bệnh dại rất nguy hiểm, có thể gây tử vong rất nhanh. Nhưng may mắn, chúng có thể khống chế bằng cách tiêm vắc xin dại". Tiêm phòng là cách duy nhất đối phó với bệnh dại hiện nay do vẫn chưa hề có thuốc đặc trị trên thế giới. Vì vậy, sai lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng nhất mà đa số các trường hợp mắc phải là không tiêm phòng bệnh dại, ông Cảm nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo của Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại – Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, mỗi năm cả nước có khoảng hơn 300.000 người bị chó cắn, trong đó chỉ có 60% đi tiêm phòng, 40% còn lại không đi tiêm phòng.

Hà Nội: Ghi nhận 2 trường hợp tử vong do chó dại cắn

Chó dại cắn nguy cơ tử vong cao nếu không tiêm phòng (Ảnh minh họa)

Sai lầm chết người trong xử lí khi bị chó cắn

Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, bên cạnh những tổn thương ngoài da gần như vô hại, người bị chó tấn công còn nguy cơ mắc bệnh dại – bệnh do virus gây ra, hết sức nguy hiểm do tác động đến hệ thần kinh, tỉ lệ tử vong của bệnh lên đến 100% và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trên thế giới.

Virus bệnh dại thường lây truyền qua tuyến nước bọt của chó sang người qua vết cắn hoặc những vết trầy xước. Do đó, khi bị chó cắn, cần nghiêm ngặt tuân thủ nhưng phương pháp sơ cứu tại chỗ.

Tuy nhiên, hiện người dân chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc bị chó dại cắn, và có những cách xử lý rất sai lầm.

Sai lầm thường gặp nhất ở những ca tử vong do bệnh dại là người bị cắn không theo dõi chó và bản thân cũng không đi tiêm phòng. Ngoài ra, nhiều người còn tin dùng các loại thuốc của thầy lang theo mách bảo, bài thuốc chưa được kiểm chứng khoa học khiến bệnh trở nặng dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, việc dùng dầu gió, dầu hỏa cho vào vết thương cũng rất nguy hiểm. Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo không được khâu vết thương do súc vật cắn, bởi điều này khiến cho virus dại xâm nhập vào thần kinh nhanh hơn. Nhiều trường hợp tử vong là do thói quen này.

Cách xử lý đúng đắn khi bị chó cắn

Khi phát hiện có người bị chó cắn, cần nhanh chóng dùng các biện pháp để tách con chó ra khỏi nạn nhân, tránh gây thêm thương tích.

Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Vết thương cần được rửa dưới vòi nước chảy nhẹ, tránh để tổn thương nặng thêm. Sau đó, rửa lại vết thương bằng xà phòng sát khuẩn hoặc dung dịch sát trùng. Nếu vết thương chảy máu, cứ để máu chảy chừng 10 phút đầu rồi mới băng lại. Với các vết thương sâu, trúng phải mạch máu lớn, cần cầm máu bằng ga-rô rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine, hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

Tiếp đó, cần đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại và tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Để phòng chống bệnh dại, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp cùng cơ quan thú y tiêm phòng trên 80% đàn chó. Về phía người dân, cần thay đổi quan niệm, không phải những trường nghi bị dại mới đi tiêm vắc xin dại. Theo đó, bất cứ ai khi bị súc vật cắn, hoặc bị liếm vào vết xây xước phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt việc tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

 

Thảo Nguyên