Bổ sung 15 máy chạy thận cho Bệnh viện đa khoa Hoà Bình sau sự cố chạy thận
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:08, 06/06/2017
Tiếp tục các hoạt động hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khắc phục hậu quả của sự cố y khoa liên quan đến bệnh nhân chạy thận nhân tạo, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác xử lý sự cố tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và hỗ trợ Bệnh viện cho đến khi vận hành lại đơn nguyên Thận nhân tạo giúp bệnh nhân không phải xuống Hà Nội chạy thận.
Đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh làm việc tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu Sở Y tế Hòa Bình trước mắt mở rộng khoa Thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hòa Bình. Trước mắt cần bổ sung cho Bệnh viện TP Hòa Bình từ 10-15 máy chạy thận nhân tạo để hỗ trợ người bệnh chạy thận nhân tạo không phải xuống Hà Nội lọc máu định kỳ.
Phía Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sẽ cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn, đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận.
Chiều ngày 5/6. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã họp để kiểm thảo các trường hợp tử vong, sau đó thống nhất báo cáo gửi lên Hội đồng chuyên môn do Sở thành lập.
“Hội đồng chuyên môn do lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hoà Bình làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng có các chuyên của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội... và các lĩnh vực liên quan khác do Sở Y tế mời hoặc chỉ định tham gia đã được thành lập. Sở Y tế phải lập phương án khắc phục và lựa chọn cơ sở điều trị để hỗ trợ 100 bệnh nhân cần lọc máu chu kỳ sớm được lọc máu tại địa phương” - TS Lương Ngọc Khuê cho hay.
Hiện tại, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, có 4 yếu tố liên quan đến quá trình chạy thận: Quy trình thực hiện của nhân viên y tế, quả lọc, dịch lọc và hệ thống nước để thẩm tách độc chất trong máu.
Trong đó, hệ thống máy sẽ báo quy trình làm đúng chưa; quả lọc được tái sử dụng với các hướng dẫn cụ thể, trong đó có những ca dùng quả lọc mới vẫn gặp tai biến; dịch lọc tại bệnh viên vẫn đóng gói nguyên kiện, trước đó 1 ngày đã được dùng cho một số bệnh nhân nhưng không có bất thường. Riêng hệ thống nước, trước ngày xảy ra tai biến, bệnh viện có tiến hành bảo dưỡng định kỳ.
Trước đó, sáng 29/5, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ, trong khi đang chạy thận đã có biểu hiện giống như sốc phản vệ. Trong số bệnh nhân này, có 7 người tử vong cùng ngày. Rạng sáng 4/6, bệnh nhân Nguyễn Bích N. (45 tuổi) - bệnh nhân trong tình trạng nặng nhất trong vụ tai biến chạy thận đã tử vong, nâng số người tử vong trong sự cố tai biến y khoa trong chạy thận nhân tạo đến nay lên 8 người. |